Gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng: Không vay được, cứ kiến nghị NHNN

Cập nhật: 2013-06-03 02:10:53

Từ 1-6 gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ cho người thu nhập thấp mua nhà được triển khai.

Từ 1-6 gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ cho người thu nhập thấp mua nhà được triển khai.

 

Tuy nhiên, nhiều người vẫn rất mù mờ không biết để vay được vốn này thì phải làm thủ tục ra sao, đối tượng nào được vay…

Hợp đồng mua nhà quan trọng nhất

Phóng viên: Thưa ông, có ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không đưa ra hướng dẫn về gói 30.000 tỉ đồng nên khách hàng muốn vay vốn gặp nhiều lúng túng?

+ Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM: Ý kiến này không đúng, vì Thông tư 07/2013 của Bộ Xây dựng và Thông tư 11/2013 của NHNN đã hướng dẫn rất cụ thể, rõ ràng từng điều kiện, thể thức, đối tượng được vay… NHNN cũng công bố các ngân hàng thương mại: Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank và MHB sẽ cho vay vốn. Các ngân hàng này có trách nhiệm triển khai cho vay mua nhà ở xã hội với gói lãi suất 6%/năm.

Hiện các ngân hàng trên đang triển khai rất tích cực. Cụ thể, VietinBank đã công bố đầy đủ các thủ tục, đối tượng được vay. Nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động liên kết với ngân hàng và gửi thông tin đến một số cơ quan để hướng dẫn những người có nhu cầu mua nhà ở xã hội.

. Cụ thể, việc triển khai tại TP.HCM như thế nào, thưa ông?

Dự kiến trong tuần tới, NHNN Chi nhánh TP.HCM sẽ phối hợp với Sở Xây dựng và UBND quận Tân Bình ký kết thực hiện Thông tư 11 của NHNN về cho vay với các đối tượng là cán bộ, công chức thuộc gia đình chính sách, gia đình cách mạng, cán bộ lực lượng vũ trang, giáo dục, y tế tại quận Tân Bình. Trên cơ sở này, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng sang các quận, huyện khác.

. Có ý kiến cho rằng người có thu nhập 9 triệu đồng/tháng cũng khó trả nổi lãi vay và vốn?

+ Tại Thông tư 07 của Bộ Xây dựng, khái niệm người thu nhập thấp được định nghĩa rất rõ. Những người hưởng lợi từ cơ chế này là cán bộ, công chức ở các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, người mất sức lao động về hưu…, nói chung là rất nhiều đối tượng chứ không phải chỉ là người có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng.

Một khi chúng ta muốn có một căn hộ để ở thì đương nhiên cũng phải hy sinh phần nào đời sống kinh tế của mình. Không thể nào vừa vay vốn mua nhà mà vẫn không phải hy sinh điều kiện kinh tế hiện nay được.

. Tóm lại, điều kiện quan trọng nào để người thu nhập thấp được vay gói lãi suất này, thưa ông?

+ Điều kiện vay đã được quy định rõ trong Thông tư 11 nhưng tôi muốn nhấn mạnh yếu tố quan trọng nhất là phải có hợp đồng thuê mua nhà ở xã hội.

TP.HCM còn 3.000 căn nhà ở xã hội

. Nhưng sau khi ký hợp đồng rồi mà ngân hàng không cho vay thì sao?

+ Nếu đã có hợp đồng thuê mua nhà và đáp ứng đủ các điều kiện nhưng các ngân hàng còn vốn vẫn không giải ngân, mọi người có thể đến NHNN Chi nhánh TP.HCM để được hướng dẫn và xử lý.

. Làm sao để cá nhân mua nhà, doanh nghiệp (DN) và ngân hàng có thể tìm đến nhau dễ dàng? Và tại TP.HCM, hiện có bao nhiêu căn hộ thuộc diện nhà ở xã hội, thưa ông?

+ Thường các DN xây nhà ở xã hội và DN muốn chuyển đổi nhà thương mại sang nhà xã hội phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có đất sạch và giấy phép xây dựng. Các ngân hàng cũng đều có danh sách các dự án và căn hộ thuộc diện ưu đãi này. Tại TP hiện có hơn 3.000 căn hộ nhà ở xã hội.

. Giả sử khách hàng tìm được căn hộ dưới 70 m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2 nhưng nằm ngoài diện nhà ở xã hội, nhà ở chuyển đổi công năng thì có được vay không?

+ Vấn đề này phía NHNN cũng đang băn khoăn. Hôm nay (31-5), Sở Xây dựng, năm ngân hàng cho vay và các DN tại TP.HCM sẽ họp để có hướng giải quyết.

. Xin cảm ơn ông.

Phải công khai, minh bạch thông tin 

 

Công ty tôi không tham gia vay gói 30.000 tỉ đồng vì không làm nhà ở xã hội nhưng có hỗ trợ khách hàng mua nhà vay gói này. Dự án của công ty tôi gần như hoàn toàn trùng khớp với các điều kiện để được cho vay (diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2) nhưng nhiều khách hàng cho biết phía ngân hàng chưa hướng dẫn cụ thể. Lẽ ra Nhà nước nên chuẩn bị sẵn, tổ chức tập huấn từ trước ngày 1-6 chứ để đến giờ thì chậm quá.

Để đảm bảo khách quan và công bằng, các ngân hàng phải công bố cụ thể bao nhiêu DN đăng ký vay, tổng mức đầu tư là bao nhiêu, đơn vị nào được chấp thuận, mức vay là bao nhiêu. Không thể lấy tiêu chí “ai tới trước thì giải quyết trước” vì rất khó kiểm soát. Ngoài ra phải xem xét tính khả thi của dự án chứ không đổ tiền vào những dự án đang “bệnh nặng”.

Ông NGUYỄN VĂN ĐỰC, Phó Giám đốc Công ty Đất Lành

 

Hễ có quota là có lợi dụng

Lâu nay giới DN ai cũng biết là hễ có quota là có tình trạng lợi dụng. Tôi nghe phong thanh một số DN được chấp thuận vay ngay cả trước khi có Thông tư 07. Thật sự tôi cũng không hy vọng gì vào việc vay gói 30.000 tỉ đồng mà chỉ mong mỏi Nhà nước xem xét lại chính sách tiền sử dụng đất cho công bằng. DN đã mua đất một lần mà bắt nộp tiền sử dụng đất lại một lần nữa theo giá thị trường là quá bất công. Tình trạng này sẽ đẩy giá bất động sản lên cao, DN và người dân cùng lãnh đủ.

Cũng xin nói thêm, lâu nay DN muốn vay lãi suất 13%-14% mà còn phải “lót tay” ngân hàng vài phần trăm mới mong được xem xét thì nói gì đến vay ưu đãi lãi suất thấp 6%. Đó là chuyện không cần nói ra mà ai cũng hiểu.

Lãnh đạo một DN BĐS tại TP.HCM

C.TÚ ghi


Theo Yên Trang

PLTPHCM

Tin tứcQuy địnhBảng giá QC
Góp ý
Loading