Khi cung vượt cầu
TT - Cuối tháng 9-2011, lượng ximăng tồn kho được Bộ Xây dựng ghi nhận hơn 2,34 triệu tấn. Ngoài lý do khách quan do siết tín dụng đối với các dự án bất động sản dẫn tới cầu ximăng sụt giảm mạnh, việc ximăng tồn kho với số lượng lớn là điều không có gì phải... ngạc nhiên khi nguồn cung ximăng mỗi năm cứ phình to hơn nhu cầu sử dụng.
TT - Cuối tháng 9-2011, lượng ximăng tồn kho được Bộ Xây dựng ghi nhận hơn 2,34 triệu tấn. Ngoài lý do khách quan do siết tín dụng đối với các dự án bất động sản dẫn tới cầu ximăng sụt giảm mạnh, việc ximăng tồn kho với số lượng lớn là điều không có gì phải... ngạc nhiên khi nguồn cung ximăng mỗi năm cứ phình to hơn nhu cầu sử dụng.
Đến cuối năm 2010, với 59 dây chuyền sản xuất ximăng lò quay đang hoạt động, nếu chạy đúng công suất thiết kế, lượng ximăng từ các nhà máy này cung cấp cho thị trường gần 63 triệu tấn/năm. Và theo Hiệp hội Ximăng VN (VNCA), hết năm 2010 khối lượng ximăng toàn ngành sản xuất đạt 53,2 triệu tấn, trong khi tổng lượng tiêu thụ đạt 50,2 triệu tấn, nghĩa là dù chưa cần chạy hết công suất thiết kế thì ximăng đã thừa 3 triệu tấn.
Trong khi lượng ximăng thừa chưa biết phải “đẩy” đi đâu thì trong năm 2011, theo ước tính của Bộ Xây dựng, sẽ có thêm tám nhà máy ximăng đi vào hoạt động với tổng công suất thiết kế 6,92 triệu tấn/năm.
Đây quả là bài toán “khó nuốt” cho ngành ximăng. Vì ngoài việc phải tìm cách bán được hàng ở thị trường nội địa trong bối cảnh sức mua đìu hiu như hiện tại, các doanh nghiệp ximăng chỉ còn cách trông chờ vào con đường xuất khẩu may ra mới giải quyết được tình trạng “dồn cục” ximăng năm sau luôn cao hơn năm trước. Nhưng xuất khẩu cũng chỉ là giải pháp tình thế cho ngành công nghiệp nặng này khi bài toán hiệu quả không được đánh giá cao đối với mặt hàng tuy “to xác” nhưng giá trị lại thấp. Chỉ cần so với các nước Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... phần lớn dây chuyền sản xuất của họ đã hoàn tất khấu hao, thì các dự án ximăng trong nước vẫn còn đang loay hoay trả lãi vay, khiến doanh nghiệp buộc phải “đẩy” vào chi phí giá thành, làm sao đủ sức cạnh tranh?
Trong khi đó, theo quy hoạch giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030 vừa được phê duyệt, tiếp tục có thêm 50 dự án dự kiến được đưa vào vận hành. Phải chăng quy hoạch ngành tiếp tục bị bỏ qua cho dù đã có rất nhiều cảnh báo lẫn kiến nghị đề xuất xem xét cấp phép mới dự án trước đó?
QUỲNH KHÔI