Kích cầu tiêu dùng thế nào?
Khi lạm phát bước đầu được kiềm chế, để tăng trưởng kinh tế cao hơn năm trước, đã xuất hiện đề xuất kích cầu, trong đó có kích cầu tiêu dùng, mà tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBL) là nội dung chủ yếu.
Tốc độ tăng, giảm TMBL theo giá thực tế 5 tháng đầu năm 2013. Nguồn: Tổng cục Thống kê
Do TMBL bằng 71,6% GDP, nên TMBL là động lực của tăng trưởng kinh tế. Nếu TMBL/GDP cao lên, tốc độ tăng TMBL cao, thì tốc độ tăng GDP cũng cao. Nếu TMBL/GDP giảm, tốc độ tăng TMBL chậm lại, thì tốc độ tăng GDP chậm lại. Điểm lại diễn biến trong 3 năm qua, có thể thấy xu hướng đó. TMBL/GDP đã giảm từ 74,8% năm 2010 xuống còn 72,1% năm 2011 và 71,6% năm 2012.
Tốc độ tăng TMBL nếu năm 2010 là 14%, thì năm 2011 còn 4,7%, năm 2012 còn 6,2%, nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng thì 5 tháng đầu năm 2013 TMBL chỉ tăng 4,8%.
Đây là tốc độ tăng thấp hơn tốc độ tăng GDP, hệ quả là tốc độ tăng tồn kho sản phẩm tuy đã chậm lại, nhưng vẫn còn cao, làm cho tốc độ tăng của nhóm ngành nông, lâm nghiệp-thuỷ sản và công nghiệp-xây dựng bị chậm lại so với cùng kỳ năm trước.
Để tăng cầu tiêu dùng thì kích cầu tiêu dùng là biện pháp cần được lựa chọn.
Trước hết là phải tăng thu nhập và sức mua có khả năng thanh toán của dân cư. Việc điều chỉnh lương tối thiểu từ tháng 7 này của Chính phủ là một cố gắng trong điều kiện thu ngân sách khó khăn, bội chi ngân sách còn lớn. Giải quyết công ăn việc làm cho lao động đến tuổi lao động, cho số thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, cho các học sinh tốt nghiệp các hệ đào tạo, cho số lao động bị mất hoặc thiếu việc làm, xuất khẩu lao động. Kích cầu đầu tư cũng gián tiếp kích cầu tiêu dùng thông qua việc trả lương cho lao động xây dựng, cho lao động sản xuất thiết bị, vật liệu xây dựng...
Kích cầu tiêu dùng nhưng phải hướng vào tiêu dùng các hàng hoá sản xuất trong nước, đẩy mạnh hơn nữa phong trào “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, đưa hàng về nông thôn, nếu không sẽ làm cho nhập siêu gia tăng, chẳng khác gì “tiêu thụ hộ” cho nước ngoài.
Một vấn đề quan trọng khác là các doanh nghiệp cần phải tiết giảm hơn nữa chi phí để hạ giá thành, hạ giá bán. Doanh nghiệp nghiên cứu phục hồi lại việc bán hàng trả góp... Nhà nước cần giảm thuế VAT vì đây là loại thuế mà người mua phải nộp (doanh nghiệp nộp thay)...
Theo Minh Ngọc - Chinhphu.vn