Kinh tế toàn cầu đang bước vào giai đoạn nguy hiểm
Cảnh báo của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick cho thấy rõ quan ngại của cơ quan này về tình hình giá lương thực tăng cao, thị trường hàng hóa bất ổn và nợ công tràn lan tại các nước phát triển.
Cảnh báo của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick cho thấy rõ quan ngại của cơ quan này về tình hình giá lương thực tăng cao, thị trường hàng hóa bất ổn và nợ công tràn lan tại các nước phát triển.
> Bức tranh tối của kinh tế tháng 8 / Lập kịch bản phòng suy thoái
Trong một hội thảo cuối tuần trước tại Bắc Kinh (Trung Quốc), ông Robert Zoellick, đã cảnh báo kinh tế thế giới đang cận kề giai đoạn nguy hiểm. Bởi theo ông, khủng hoảng tài chính tại khu vực châu Âu đang biến tướng thành một cuộc khủng hoảng nợ công, với những tác động tiêu cực đến các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), các ngân hàng và sản xuất của một số thành viên trong khu vực. Cùng lúc đó, giá lương thực tăng cao kỷ lục, thị trường hàng hóa cơ bản biến động khôn lường.
"Ngay tại nước Mỹ của tôi, cũng đang phải đối phó với vấn đề nợ công, và đang phải tiến hành công cuộc cải cách để thúc đẩy tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân", Business Insider trích phát biểu của ông.
Thêm vào đó, nhịp độ tăng trưởng toàn cầu đang bị chững lại và dư luận tỏ ra kém tin tưởng vào tương lai. Ông cho rằng những yếu tố này cho thấy kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn nguy hiểm.
Với đánh giá của Chủ tịch Zoellick, đây là lần đầu tiên WB tỏ ra bi quan về triển vọng kinh tế toàn cầu đến như vậy. Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ giảm nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay và năm tới.
Cùng chung nhận định này, chuyên gia kinh tế Nouriel Roubini, người có tầm ảnh hưởng lớn đối với các thị trường tài chính thế giới, cho rằng tình hình hiện nay còn tồi tệ hơn so với năm 2008. Nhận định trên CNBC, ông Roubini cho rằng các nền kinh tế phát triển đang mắc kẹt giữa một bên là tốc độ tăng trưởng trì trệ và một bên là cần phải có các gói kích thích kinh tế lớn hơn cũng như các chính sách thắt lưng buộc bụng ít khác nghiệt hơn để thúc đẩy tăng trưởng.
"Tình hình kinh tế thế giới hiện này còn xấu hơn năm 2008. Hiện nay, các biện pháp thắt chặt liên tục được đưa ra và các ngân hàng tỏ ra hết sức thận trọng", ông nói.
Ông Roubini nhận định khả năng xảy ra suy thoái kép là 60%. Các khảo sát mới đây cho thấy tình hình kinh doanh ảm đạm và niềm tin của người tiêu dùng đã xuống mức rất thấp tại các nước phát triển. Roubini tỏ ra khá bi quan về triển vọng kinh tế Anh và cho rằng kinh tế nước này đang đứng trước bờ vực suy thoái kép.
Ông cho rằng đợt nới lỏng tín dụng thứ 3 của Mỹ có thể sẽ không đem lại hiệu quả dài hạn như mong muốn, và Mỹ, châu Âu cần có thêm các biện pháp kích cầu kinh tế.
Trong những tuần gần đây, châu Âu đang trở thành tâm điểm với những hoài nghi về việc liệu đồng tiền chung Euro của khu vực này có thể sống sót trong cuộc khủng hoảng lần này.
Ông Roubini tin rằng châu Âu sẽ mở rộng Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (ESFS) hoặc phát hành trái phiếu chung của khu vực đồng tiền chung châu Âu và các nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu nên hạ giá đồng Euro. Các chuyên gia kinh tế luôn e ngại đồng Euro mạnh sẽ có nhiều tác động đối với xuất khẩu tại khu vực.
“Chính sách thắt lưng buộc bụng gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế. Các nước nên tính đến cả GDP thay vì chỉ tính đến biện các biện pháp thắt chặt”, ông Roubini nhận định.
Tuyến Nguyễn tổng hợp