Loại bỏ các ngân hàng không đủ năng lực
TTO - Tân chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia VŨ VIẾT NGOẠN khẳng định khi trả lời báo chí ngày 29-7.
TTO - Tân chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia VŨ VIẾT NGOẠN khẳng định khi trả lời báo chí ngày 29-7.
Ông Ngoạn cho rằng trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng tới đây, cần đề cao vai trò độc lập của Ngân hàng Nhà nước VN, loại bỏ những ngân hàng không đủ năng lực tài chính và năng lực quản lý.
Tân chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn |
Ông Ngoạn nói: Trước khi khủng hoảng tài chính thế giới xảy ra thì vốn dĩ hệ thống tài chính VN đã yếu rồi. Đến nay, các tiêu chí an toàn của hệ thống ngân hàng trên thế giới đã thay đổi, nâng cấp nhưng VN vẫn chưa theo kịp được cái chuẩn cũ của họ. Nếu VN không kịp thời tái cơ cấu, đưa ra các tiêu chuẩn cao hơn thì sẽ rất khó khăn.
* Tuổi Trẻ: Như vậy VN sẽ phải tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo hướng nào, thưa ông?
- Một số ngân hàng thương mại hiện nay năng lực tài chính yếu, năng lực quản lý cũng yếu. Chúng ta phải làm thế nào đó để quy luật phát triển của thị trường được tôn trọng, anh nào mà yếu quá thì phải bị đào thải. Tất nhiên hiện nay chúng ta đang trong một hoàn cảnh khó khăn, tâm lý xã hội đang nặng nề, tâm lý e ngại ngân hàng đỗ vỡ thì gây ra sự đổ vỡ dây chuyền.
Nhưng tới đây mọi định chế, tổ chức, cá nhân đều phải ứng xử theo quy luật của thị trường, anh nào tốt thì phát triển, anh nào không tốt thì loại bỏ. Nếu không anh không tốt, anh cứ dùng tiền của xã hội để tiêu pha, lãng phí thì rất nguy hiểm.
* Thanh Niên: Ngay từ đầu năm, Thủ tướng yêu cầu triển khai việc hạ lãi suất, nhưng thực hiện rất khó khăn, đây là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, phá sản. Ông nghĩ gì về vấn đề này?
- Giảm lãi suất không chỉ là mong muốn của Chính phủ mà còn của nhiều người, là mong muốn để doanh nghiệp VN nâng cao tính cạnh tranh. Nhưng chính sách tiền tệ trước hết phải thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, chống lạm phát. Trong điều kiện lạm phát đang như thế này thì việc nâng lãi suất để thắt chặt chính sách tiền tệ là phải làm.
Để lãi suất có thể hạ được, điều đầu tiên là kinh tế vĩ mô phải ổn định. Thứ hai là phải tăng cường giám sát hoạt động của ngân hàng. Thứ ba là từng ngân hàng phải tập trung quản lý chi phí thật tốt, nếu không nó đẩy giá thành lên cao, đẩy lãi suất lên cao.
* Thời báo Kinh Tế VN: Chính phủ đã thừa nhận với Quốc hội là lãi suất thực tế vượt so với quy định, điều này mang thông điệp gì?
- Đúng là Chính phủ thừa nhận quy định lãi suất trần là 14%, nhưng lãi suất thực tế trên thị trường lại vượt quá mức này, Ngân hàng Nhà nước thừa nhận đã không kiểm soát được. Tôi nghĩ phải chia sẻ với Ngân hàng Nhà nước bây giờ nếu cứ nâng trần lên nữa thì chính sách lại chạy theo thị trường. Bản thân chính sách lẽ ra phải điều phối thị trường, điều tiết thị trường, nhưng sự thật chúng ta chưa thành công trong việc đó.
* Tuổi Trẻ: Một trong những băn khoăn của Ủy ban Kinh tế nêu ra trong 10 kiến nghị vừa rồi là sự mâu thuẫn giữa mệnh lệnh hành chính với quy luật phát triển của thị trường, đối với hệ thống tài chính – ngân hàng thì cần làm gì để khắc phục mâu thuẫn đó?
- Khi Quốc hội sửa Luật Ngân hàng Nhà nước VN, Luật các tổ chức tín dụng đã tranh luận rất nhiều. Lúc đó có hai luồng ý kiến khác nhau: một phía cho rằng các công cụ, chính sách tiền tệ và giải pháp của Ngân hàng Nhà nước phải tôn trọng quy luật thị trường; nhưng cũng có nhiều ý kiến nói trong điều kiện của ta hiện nay các công cụ thị trường chưa thể thực hiện được nên phải có quản lý rất chặt của Nhà nước, có nghĩa là phải sử dụng công cụ hành chính.
Ngay cả vấn đề lãi suất cơ bản được quy định trong pháp luật cũng đã hàm chứa điều đó, tức là lãi suất cơ bản là lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước dùng để điều tiết thị trường và các tổ chức tín dụng được phép áp dụng lãi suất thỏa thuận với khách hàng của mình, nhưng trong những tình huống đặc biệt Ngân hàng Nhà nước được áp dụng lãi suất hành chính (tức là lãi suất trần). Vừa rồi Ngân hàng Nhà nước áp dụng lãi suất trần là vận dụng quy định này. Tuy nhiên cần phải khẳng định không nên lạm dụng các mệnh lệnh hành chính và về mặt lâu dài nó cũng không hiệu quả. Vấn đề quan trọng là vận dụng các công cụ kinh tế.
* Kiến nghị của Ủy ban Kinh tế cho rằng cần để Ngân hàng Nhà nước giữ vai trò độc lập, vậy sự độc lập ở đây là thế nào, có giống như ngân hàng trung ương các nước không?
- Trong điều kiện hiện nay, Ngân hàng Nhà nước VN chưa thể và không thể độc lập như các ngân hàng trung ương các nước. Thể chế chính trị của nhiều quốc gia là tam quyền phân lập, đồng thời họ phát triển đến trình độ cao để phân định rõ rằng việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định việc làm là nhiệm vụ của Chính phủ, còn kiểm soát lạm phát và kiểm soát giá cả là nhiệm vụ của ngân hàng trung ương. Đó là hai mục tiêu khác nhau trong phát triển kinh tế - xã hội. Điều kiện VN hiện nay không thể để Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn độc lập để thực hiện các mục tiêu tách rời với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung được.
* Thời báo Kinh Tế VN: Chính phủ khẳng định mạnh mẽ là phải tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và có ngay đề án trong năm nay, việc này cần thực thi thế nào?
- Tôi biết rằng việc tái cơ cấu ngân hàng được đặt ra từ lâu và Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua cũng đã tổng hợp thông tin, theo dõi, đánh giá, giám sát tình hình. Như tôi đã nói ở trên, vấn đề này cần một quá trình vì tính chất nhạy cảm của nó, nhất là đặt trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Tất nhiên, đã đến lúc phải bắt tay thực thi những giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn.
LÊ KIÊN thực hiện