Máy bay riêng về Việt Nam giá chỉ bằng chiếc xe hơi
4 chiếc máy bay cá nhân loại 2-4 chỗ ngồi do Công ty Hành Tinh Xanh (Green Planet) nhập về có giá xuất xưởng ngang bằng một chiếc xe hạng sang, chỉ khoảng 150.000 đôla Mỹ.
4 chiếc máy bay cá nhân loại 2-4 chỗ ngồi do Công ty Hành Tinh Xanh (Green Planet) nhập về có giá xuất xưởng ngang bằng một chiếc xe hạng sang, chỉ khoảng 150.000 đôla Mỹ.
>Việt Nam sắp có thêm 4 máy bay cá nhân
Đại diện doanh nghiệp này cho biết ngoài mục đích sử dụng, khách hàng có nhu cầu vẫn có thể thuê để bay cá nhân trên một số chặng nội địa.
Khác với 2 chiếc phi cơ riêng của 2 đại gia chứng khoán - Đoàn Nguyên Đức và Trần Đình Long, 4 chiếc máy bay do Green Planet nhập về là máy bay hạng nhẹ, chỉ 2-4 chỗ ngồi. 4 chiếc máy bay riêng này cũng được nhập khẩu theo diện cá nhân chứ không qua khâu trung gian. Và giống như mặt hàng ôtô, cả 4 chiếc máy bay này đều được nhập khẩu về Việt Nam qua đường cảng biển - điều chưa từng xảy ra trong lĩnh vực hàng không.
Green Planet cho hay 4 chiếc máy bay gồm 2 chiếc cánh bằng loại 2 chỗ ngồi ATEC 321 của nhà sản xuất ATEC v.o.s thuộc Cộng hòa Czech; hai chiếc khác là máy bay cánh quạt trực thăng A600 Talon loại 2 chỗ ngồi Rotoway của Mỹ. Tất cả đều là loại mới 100%, tốc độ 300 km một giờ, thời gian bay liên tục là 6 tiếng, trọng lượng không tải 600 - 800 kg. Máy bay sử dụng nhiên liệu xăng A95 như ôtô, phụ tùng thay thế rất rẻ, chi phí vận hành thấp.
Giá xuất xưởng của mỗi chiếc máy bay này vào khoảng 150.000 USD - tương đương với một chiếc xế hộp hạng sang. Và so với giá chiếc Rolls-Royce hay Maybach mà một số đại gia Việt từng nhập về thị trường thì 4 chiếc máy bay này có giá thấp hơn nhiều.
6 hãng hàng không được cấp giấy phép kinh doanh tại Việt Nam gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Air Mekong, Vietjet Air, Vasco và Indochina Airlines. Các hãng hàng không này đều được hưởng ưu đãi về thuế khi mua máy bay về làm các công việc vận chuyển hành khách. Trong số này có 4 hãng đang khai thác dịch vụ. Indochina Airlines ngừng bay sau một năm cất cánh. Còn Vietjet được cấp giấy phép đầu tiên nhưng gần 4 năm nay chưa khởi động chuyến bay thương mại. |
"Chúng tôi khảo sát thị trường, giá cả và thương lượng với đối tác sản xuất cách đây 2 năm. Đến đầu tháng 10, máy bay mới về đến cảng Hải Phòng", vị lãnh đạo Green Planet chia sẻ.
Ông cho biết 4 chiếc máy bay riêng này sẽ được sử dụng vào nhiều mục đích như đào tạo, đáp ứng nhu cầu thuê sử dụng cá nhân. Trong trường hợp khách có nhu cầu, Green Planet cũng có thể bán. "Trên thế giới, dịch vụ cho thuê máy bay có lái, hoặc tự lái rất phát triển. Giá mỗi giờ thuê có phi công kèm theo vào khoảng 300 đôla Mỹ. Tuy nhiên, các phương án sử dụng đang được chúng tôi nghiên cứu", ông tiết lộ.
Việt Nam hiện có 2 cá nhân sở hữu máy bay riêng là Bầu Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - Trần Đình Long. 2 chiếc máy bay này đều do Công ty Vasco đứng ra làm khâu trung gian lo các thủ tục về cấp giấy phép, chứng nhận an toàn bay và vị trí bãi đỗ.
Luật Hàng không Việt Nam không cấm cá nhân sở hữu máy bay riêng. Tuy nhiên, khi hoạt động bay tại Việt Nam sẽ phải tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn, giấy chứng nhận tiêu chuẩn, chất lượng, chứng nhận quyền sở hữu...
Hồng Anh