Người gửi tiền xót xa nhìn lãi suất hạ

Cập nhật: 2013-05-10 01:49:57

Nếu như năm ngoái chị Mai vẫn hưởng lãi gần 6 triệu đồng mỗi tháng cho món tiền gửi ngân hàng, thì nay chỉ còn hơn một nửa.

Nếu như năm ngoái chị Mai vẫn hưởng lãi gần 6 triệu đồng mỗi tháng cho món tiền gửi ngân hàng, thì nay chỉ còn hơn một nửa.

Trong tuần này, những ngân hàng lớn nhất và cũng là có uy tín nhất trên thị trường nhận tiền gửi tiết kiệm đều có động thái giảm sâu lãi suất về 6%. Thậm chí như Agribank đã đưa lãi suất huy động về 5% - thấp nhất thị trường và chỉ bằng hai phần ba mức trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Điều này khiến không ít người gửi tiền xót xa và cảm thấy thiệt thòi.

Tháng 3/2012, trần lãi suất gửi tiết kiệm vẫn là 14% một năm, chưa kể không ít nhà băng vẫn duy trì cuộc đua "vượt rào" và sẵn sàng trả thêm cho khách gửi tiền. Nhớ lại thời kỳ lãi suất cao đó, chị Mai, người có 500 triệu đồng gửi tại một chi nhánh của Ngân hàng BIDV trên đường 3/2, quận 10, TP HCM không khỏi tiếc nuối. "Tiền lãi lúc ấy được hưởng mỗi tháng cũng gần 6 triệu đồng. Sau một năm, giá cả mọi thứ gần như không giảm, thậm chí tăng, nhưng tiền lãi thì giảm đi phân nửa", chị Mai ngậm ngùi nói.

Tiền lãi tiết kiệm được hưởng vơi đi một nửa sau một năm. Ảnh: Anh Quân.
Nhiều người tiếc nuối khi tiền lãi tiết kiệm vơi hơn nửa sau một năm. Ảnh: Anh Quân.

Ông Đông (60 tuổi, Trần Khát Chân Hà Nội) có 700 triệu tiền tiết kiệm con trai làm ăn bên Hàn Quốc gửi về nhờ bố cất hộ và đang gửi tại một ngân hàng cổ phần. Cả tuần nay, khi nghe thông tin lãi suất tiết kiệm ngắn hạn các nhà băng lớn giảm về 6%, ông cũng như nhiều người dân vội vàng đến ngân hàng thăm dò tình hình. "Tôi chẳng hiểu gì về tình hình kinh tế vĩ mô cả nhưng lãi suất cứ giảm liên tục thế này thấy thiệt thòi quá. Hơn một năm mà giảm một nửa, thằng con trai ở nước ngoài cũng không kịp hiểu gì khi tiền lãi nhận được ngày một ít", ông Đông tâm sự.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng chậm lại, từ đầu năm tới cuối tháng 4 ở mức 2,41%. Nhưng với đà giảm lãi suất nhanh như hiện nay, tiêu chí tiền gửi thực dương (lãi suất cao hơn lạm phát) gần như không còn. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI đã tăng 6,61%. Trong khi đó, chỉ tiêu tăng CPI của cả năm nay là 8% theo nghị quyết Quốc hội đưa ra tại kỳ họp cuối năm ngoái, nhằm đảm bảo tăng trưởng GDP 5,5%.

Lý lẽ của các ngân hàng khi hạ lãi suất đầu vào là mong người gửi tiền chia sẻ với khó khăn của nền kinh tế để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, độc giả tên Quý chia sẻ lo ngại với VnExpress.net: "Quan trọng là lãi suất ngân hàng cho vay là bao nhiêu? Giảm lãi suất huy động làm ngân hàng thêm lãi thôi chứ có tình hình kinh tế không cải thiện".

Độc giả khác tên Thanh lại lấy ví dụ của bản thân để cho thấy lãi suất đầu ra của ngân hàng vẫn cao. "Lãi suất huy động giảm thì lãi suất cho vay cũng phải giảm. Nhưng gia đình tôi vay tiêu dùng, vẫn phải chịu mức lãi suất 16%, có gói ưu đãi nhất cũng 15% một năm", độc giả này nói.

Một chuyên gia tài chính từng tham gia cố vấn cho Ngân hàng Nhà nước cho rằng: "Nếu muốn người gửi tiền thực sự chia sẻ với nền kinh tế, các ngân hàng nên tính toán thật kỹ lưỡng để đảm bảo quyền lợi cho họ và thể hiện bằng hành động cụ thể là cho vay với giá mềm, kể cả với vay tiêu dùng".

Để hạn chế rủi ro, theo các chuyên gia vẫn nên lưu tâm đến nguyên tắc bỏ trứng vào nhiều rổ khác nhau. Tuy nhiên, thực tế là một năm vừa qua lãi suất liên tục giảm và giảm nhiều nhưng lượng tiền nhà băng huy động vẫn không hề giảm, thậm chí tăng mạnh. Điều này thể hiện người dân đang "bấm bụng" gửi tiền khi các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản vẫn quá ảm đạm còn vàng, đôla quá khó đoán như hiện nay.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tự tin cho biết, lâu nay khách hàng rất chuộng kỳ hạn ngắn 1-3 tháng, để linh hoạt nguồn vốn. Do đó, lãi suất tiết kiệm dưới 12 tháng có giảm cũng không làm nguồn vốn ngắn hạn của nhà băng bị thay đổi.

Trước việc xu hướng giảm của lãi suất có thể chưa dừng lại, chuyên gia tài chính Nguyễn Đức Trung (Học viện Ngân hàng) cho rằng người dân nên tìm đến các khoản đầu tư trung và dài hạn để hạn chế phần thiệt thòi. Đầu tư vào vàng, đôla trong bối cảnh này cũng là một lựa chọn nhưng chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo người dân nên cẩn thận. "Tỷ giá biến động rất ít nên đầu tư thì tiền cũng không sinh ra tiền nhiều còn vàng thì thời gian này lên xuống khá thất thường. Do đó người dân nếu an toàn vẫn nên gửi ngân hàng", ông Hiếu phân tích.

Bản thân nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng lo ngại nếu lãi suất tiết kiệm còn giảm sâu, người gửi tiền sẽ quay lưng. Phó Chủ tịch Ngân hàng Liên Việt Nguyễn Đức Hưởng cho rằng lãi suất không nên giảm sâu bởi không nên cố cứu các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ mà không đứng về phía người gửi tiền. "Nếu giảm mạnh, người dân có thể rút tiền mua vàng, đôla", ông Hưởng nói.

Tổng giám đốc Sacombank Phan Huy Khang thừa nhận xu thế chung thời gian tới có thể phải điều chỉnh lãi suất ngắn hạn nhưng tạm thời cho biết chưa có thay đổi nào. Theo ông, việc một số nhà băng giảm mạnh lãi suất tiết kiệm xuống 6% là tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh của mỗi ngân hàng và khó thành xu hướng chung của toàn hệ thống.

Tin tứcQuy địnhBảng giá QC
Góp ý
Loading