Nhà nước “bỏ quên” cổ tức ngàn tỉ
Ước tính mỗi năm có hàng chục ngàn tỉ đồng cổ tức của phần vốn nhà nước nằm lại ở các tổng công ty, tập đoàn nhà nước.
Ước tính mỗi năm có hàng chục ngàn tỉ đồng cổ tức của phần vốn nhà nước nằm lại ở các tổng công ty, tập đoàn nhà nước.
Nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc phải thu toàn bộ số tiền trên vào ngân sách để đầu tư vào việc xây dựng hạ tầng đường sá, trường học, bệnh viện...
Theo các chuyên gia, nếu thu về, mỗi năm ngân sách có thêm khoảng 42.000 tỉ đồng!
Lãi bao nhiêu?
Ông Ninh Văn Quỳnh - trưởng ban tài chính kế toán và kiểm toán Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) - cho biết trong năm 2012, tổng cổ tức PVN thu được lên tới 22.500 tỉ đồng, tương đương hơn 1 tỉ USD! Còn tại Ngân hàng Vietinbank, báo cáo thường niên năm 2012 cho thấy tổng tài sản đã lên đến 503.505 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2012 đạt 6.169 tỉ đồng. Trả lời Tuổi Trẻ gần đây, ông Phạm Huy Hùng, chủ tịch HĐQT Vietinbank, cho biết nhờ kinh doanh của ngân hàng và cổ tức nhà nước để lại 24 năm qua nên đến nay tổng vốn của Vietinbank đã lên đến trên 26.000 tỉ đồng!
Trong khi đó theo các chuyên gia kinh tế, nếu thu cổ tức về, số tiền Nhà nước thu được một năm là không nhỏ. Chỉ tính riêng trường hợp của Tổng công ty cổ phần Khí VN (PV Gas, công ty con của PVN), năm 2012 lợi nhuận sau thuế lên đến 10.100 tỉ đồng. Trong đó lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ, tức PVN, trong năm 2012 đạt 9.807 tỉ đồng. Nhờ lợi nhuận lớn, PV Gas đã trích các quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự phòng tài chính... với những số tiền lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Theo bản cáo bạch khi niêm yết cổ phiếu của PV Gas, lương trung bình của nhân viên công ty này lên đến 27,9 triệu đồng/tháng.
Tại Tập đoàn Cao su VN (VRG), năm 2011 do giá cao su tăng cao kỷ lục, tổng doanh thu của VRG đạt 33.490 tỉ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 11.692 tỉ đồng. Năm 2012, dù giá cao su giảm mạnh nhưng lợi nhuận trước thuế của VRG vẫn đạt 8.500 tỉ đồng, nộp ngân sách 2.800 tỉ đồng. Ông Trương Minh Trung, chánh văn phòng VRG, cho biết sau khi nộp ngân sách (gồm thuế, phí và các khoản khác), phần lợi nhuận còn lại VRG được giữ lại để tái đầu tư.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (Vafi) - cho rằng việc các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không phải nộp cổ tức là một thực tế đáng suy nghĩ và số tiền Nhà nước để lại chắc chắn không nhỏ. Ở các tập đoàn lớn như Viettel, Bưu chính viễn thông, Dầu khí, Than - khoáng sản VN (TKV)... nếu Nhà nước thu cổ tức như những nhà đầu tư bình thường khác thì theo tính toán của Vafi, “mỗi năm Nhà nước sẽ có thêm ít nhất... 2 tỉ USD. Riêng PVN mỗi năm Nhà nước đã có thể thu được cỡ 1 tỉ USD” - ông Hải nói. Theo ông Hải, không chỉ PV Gas, ngay Đạm Phú Mỹ của PVN cũng có lãi rất lớn, vài ngàn tỉ đồng/năm. Năm 2012, ông Hải tính “Nhà nước nếu muốn cũng có thể thu cổ tức cỡ 2.000 tỉ đồng”.
Theo ông Bùi Văn Dũng - trưởng ban cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), tổng vốn nhà nước đã đầu tư vào các DNNN, theo công bố chính thức, khoảng 700.000 tỉ đồng. Doanh nghiệp làm ăn khó khăn cũng có thể cho lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cỡ 5-7%. Chỉ cần thu 5-7% cổ tức từ nguồn vốn chủ sở hữu trên, theo ông Dũng, đã có thể đạt khoảng 42.000 tỉ đồng mỗi năm.
Bất bình đẳng với tư nhân
Chờ bán cổ phần
Ông Nguyễn Cảnh Nam, trợ lý hội đồng quản trị TKV, khi trao đổi với phóng viên tại một hội thảo của CIEM cho rằng theo cơ chế hiện nay, sau khi nộp thuế, các tập đoàn như TKV do 100% vốn nhà nước nên không phải chi trả cổ tức cho cá nhân. Cổ tức nhà nước cũng được giữ lại nhưng phải trích lập quỹ dự phòng, quỹ khen thưởng phúc lợi và đặc biệt là quỹ đầu tư. Do quỹ đầu tư phải trích lập ít nhất 50% lợi nhuận sau thuế nên thực chất, theo ông Nam, cổ tức nhà nước thực chất lại đem đi đầu tư những công trình mới nên tiền nhà nước không mất đi đâu cả.
Không đồng tình với lý do trên, ông Trần Hữu Huỳnh - nguyên trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN, cho rằng nếu Nhà nước không thu cổ tức từ DNNN thì vô hình trung đã coi tất cả các DNNN là doanh nghiệp phi lợi nhuận, doanh nghiệp công ích. Vì vậy, cần phân chia số DNNN làm hai nhóm: doanh nghiệp công ích và doanh nghiệp bình thường. Doanh nghiệp công ích, hoạt động trong lĩnh vực tư nhân không muốn làm, Nhà nước có thể vẫn không thu cổ tức. Còn doanh nghiệp kinh doanh bình thường thì dứt khoát nên thu. Các doanh nghiệp này đang hoạt động trên thị trường, cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác nên cần phải bình đẳng theo đúng Hiến pháp. “Tiền đầu tư vào DNNN thực chất cũng là tiền thuế, trong đó có đóng góp của kinh tế tư nhân. Nếu sau khi đầu tư, Nhà nước tiếp tục không thu cổ tức, nghĩa là các doanh nghiệp tư phải hai lần chịu bất bình đẳng” - ông Huỳnh phân tích.
10 năm vẫn chưa lập được quỹ
Theo ông Bùi Văn Dũng, Luật doanh nghiệp được thông qua năm 2003 đã định hướng rõ về việc thành lập một quỹ để tiếp nhận cổ tức nhà nước tại các DNNN. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã 10 năm vẫn chưa thể hình thành quỹ này và hầu hết các DNNN vẫn được giữ cổ tức nhà nước lại. Ngay cả tiền bán cổ phần nhà nước khi cổ phần hóa lại được chuyển về quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp của bản thân các tập đoàn, tổng công ty hoặc vào quỹ ở Tổng công ty Quản lý kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)... Nếu là các công ty nhỏ trực thuộc SCIC, hằng năm SCIC vẫn thu cổ tức, nhưng tiền đó chủ yếu được dùng để hỗ trợ nhân sự dôi dư, xử lý tài chính... cho chính các DNNN.
Một quan chức Bộ Tài chính cho rằng căn cứ vào quy chế quản lý tài chính các DNNN thì cơ bản số cổ tức rất lớn của Nhà nước tại hầu hết DNNN sẽ... không được nộp vào ngân sách. Nhà nước cho phép sau khi trích quỹ, bù lỗ... các DNNN chưa được cấp đủ vốn điều lệ sẽ được giữ luôn lại lợi nhuận để bù đắp vốn. Nếu đã đủ vốn điều lệ, số tiền lãi mà Nhà nước đáng được hưởng được điều chuyển về quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại SCIC. Qua lần chỉnh sửa mới đây, cơ chế này cũng vẫn được giữ nguyên. Đáng lưu ý, quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại SCIC này lại dùng để... tập trung vốn đầu tư cho doanh nghiệp, cấp bù quỹ phúc lợi của các công ty nhà nước thường xuyên cung ứng dịch vụ công ích... Ngay cả khi SCIC dùng vốn này đầu tư vào hạ tầng, các công trình trọng điểm thì lợi nhuận hầu hết cũng lại quay về chính SCIC chứ không trực tiếp về ngân sách bởi Nhà nước cũng chưa thu cổ tức từ SCIC.
Lấy từ ngân sách thì cũng phải nộp về ngân sách
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng ngoài thuế thu nhập các DNNN đóng theo quy định chung, Nhà nước cũng là một cổ đông nên việc thu lại tiền cổ tức là nên làm, nhất là trong bối cảnh đang thực hiện đề án tái cơ cấu DNNN, cần đưa những thông điệp của tái cơ cấu vào. Cho rằng hiện nay còn rất nhiều lỗ hổng trong quản lý các DNNN, ông Trần Hoàng Ngân đề nghị cần rà soát và công khai, minh bạch các yếu tố liên quan đến DNNN, thậm chí có thể cần tính soạn lại một Luật DNNN khác để tăng quản lý...
Ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước - công nhận đúng là hiện các DNNN được ưu ái lớn. Sắp tới, trong sửa chính sách, ông Kiêm đề nghị nên sửa quy định để thu lại tiền cổ tức cho Nhà nước bởi dù số tiền có lớn hay không, mỗi năm cứ nghiễm nhiên các DNNN được hưởng một khoản tiền bổ sung lớn như thế thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó lòng cạnh tranh, “lớn” nổi. Nếu DNNN được giữ lại số tiền lớn hằng năm như vậy thì cũng phải có cơ chế riêng để bù đắp cho các doanh nghiệp không được hưởng! “Vừa rồi Quốc hội bàn mãi, để lại cho dầu khí vài ngàn tỉ đồng, cũng sinh bất bình đẳng và có thể lãng phí chứ không phải không có gì” - ông Cao Sỹ Kiêm nói.