Những quả trứng tiền tỷ của tài phiệt Nga
Những quả trứng Phục sinh nạm kim cương trị giá vài trăm tỷ đồng của Sa hoàng Nga không chỉ nói lên câu chuyện lịch sử của một thời, mà còn là biểu tượng giàu sang của số ít tài phiệt Nga ngày nay.
Vẻ đẹp mê hoặc của quả trứng Phục sinh
Những quả trứng Phục sinh nạm kim cương trị giá vài trăm tỷ đồng của Sa hoàng Nga không chỉ nói lên câu chuyện lịch sử của một thời, mà còn là biểu tượng giàu sang của số ít tài phiệt Nga ngày nay.
Thợ kim hoàn Carl Faberge chính là người tạo ra những quả trứng Phục Sinh nạm đá quý và kim loại hiếm tại xưởng chế tác của ông ở St Petersburg.
Quả trứng đầu tiên được Sa hoàng Alexander III tặng cho vợ mình là Hoàng hậu Maria Fedorovn vào lễ Phục Sinh năm 1885. Hành động này trở thành truyền thống hàng năm mà con trai ông là Nicholas II tiếp nối với việc tặng trứng quý cho mẹ và vợ vào dịp lễ này.
Trong số 50 quả trứng được chế tác cho gia đình hoàng gia từ năm 1885 đến 1916 thì 42 quả còn tồn tại đến ngày nay.
Trong căn phòng ở phía nam London gần đây có giữ 4 quả trứng cực kỳ bắt mắt, được làm để dâng lên nhà vua Nga trong thời gian ông còn là một trong những người đàn ông quyền lực nhất trên trái đất.
Lần cuối cùng được đưa ra thị trường, mỗi quả trứng như vậy có giá lên tới 9 triệu bảng (gần 294 tỷ đồng).
Số trứng này đang thuộc quyền sở hữu của Viktor Vekselberg, một tài phiệt ngành dầu khí với khối tài sản lên tới 18 tỷ USD và vẫn được gọi là người đàn ông giàu nhất của Nga.
Năm 2004, Vekselberg trả 100 triệu USD để mua 9 quả trứng hoàng gia. Bộ sưu tập này chỉ thua bộ sưu tập 10 quả trứng của bảo tàng Kremlin Armoury ở Moscow.
Vẻ đẹp mê hoặc của những quả trứng này giải thích tại sao các nhà tài phiệt như Vekselberg lại bị lôi cuốn theo sự giàu sang vô song của Sa hoàng.
Khi mùa màng thất bát và nạn đói hoành hành trên toàn đế chế rộng lớn của Sa hoàng hồi đầu thế kỷ 20, những quả trứng lộng lẫy cũng rơi khỏi tay triều đình khi ngay cả hoàng tộc cũng không còn giữ nổi mạng sống. Faberge và những món đồ lộng lẫy của ông không thể cứu vãn hoàng gia tộc Romanov khỏi kết cục bi thảm.
Người ta cho rằng sau cách mạng Nga, những phụ nữ trong hoàng tộc Romanov khâu túi trong áo để giấu trứng Phục Sinh nhằm tránh bị ăn trộm. Họ thoát khỏi bom đạn của quân Bolshevik nhưng không qua khỏi mũi lê.
Còn Faberge, một trong những người đàn ông có tầm nhìn xa nhất trong số người làm nghề kim hoàn, bị tố giác như một kẻ trục lợi.
Faberge chạy trốn đến Tây Âu mà không có gì trong tay để chứng tỏ ông một thời rất được Sa hoàng sủng ái. Con trai ông, Agathon, rơi vào tình trạng tồi tệ hơn. Anh này bị bắt đi từ tòa lâu đài ở ngoại ô St Peterburg đến Kremlin để định giá khối tài sản của hoàng tộc Romanov và triều đình để người ta bán tháo cho các nhà đầu cơ phương Tây.
Và đó là nơi mà câu chuyện của Faberge và những tác phẩm tuyệt đẹp và xa xỉ của ông kết thúc một thời kỳ nhuộm đỏ bằng máu của hoàng gia.
Nguồn gốc của những món quà Phục Sinh khiến chúng có sức hút không thể cưỡng lại đối với các nhà sưu tập tỷ phú người Mỹ như Malcolm Forbes, ông chủ sáng lập tạp chí Forbes. Người đàn ông này có trong tay 9 quả trứng, nhưng số trứng này rơi vào tay Vekselberg khi Malcolm Forbes qua đời.
Vekselberg muốn trả lại những quả trứng này cho nước Nga. Và 4 quả trứng ở London là đang quá cảnh trong thời gian giữa các cuộc triển lãm.
“Nếu bạn hỏi tôi định giá thực là gì, giá cả thực là bao nhiêu, thì điều đó đối với tôi thật khó nói”, Vekselberg tâm sự.
Vekselberg chọn mua bộ sưu tập trứng của Faberge thay vì mua cả đội bóng Anh như tỷ phú người Nga Roman Abramovich, vì Vekselber nói rằng số trứng đó không nói lên tên tuổi của cá nhân, mà là một phần di sản đáng tự hào của đất nước.
Vekselberg đã sáng lập ra quỹ văn hóa Link of Times để trông nom số tác phẩm nghệ thuật mà ông đang có trong tay. Một trong những mục đích của quỹ này là đưa các hiện vật văn hóa của Nga bị thất lạc trong thế kỷ 20 trở về nước.
Nhiều tác phẩm nghệ thuật từ thời nước Nga tiền Xô Viết mà Vekselberg sưu tập tưng bị coi là đồ chơi của giai cấp cầm quyền. Nhưng nay chúng được xem là một phần của di sản Nga, nói lên lịch sử một thời của đất nước.