Quy hoạch điện năm 2011-2020: Giảm phụ thuộc vào thủy điện
TT - Ngày 3-8, Bộ Công thương đã họp báo công bố quyết định của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là quy hoạch điện VII). Đây được xem là quy hoạch quan trọng bậc nhất vì liên quan đến định hướng xây dựng, tìm nguồn lực để giải quyết bài toán thiếu điện.
TT - Ngày 3-8, Bộ Công thương đã họp báo công bố quyết định của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là quy hoạch điện VII). Đây được xem là quy hoạch quan trọng bậc nhất vì liên quan đến định hướng xây dựng, tìm nguồn lực để giải quyết bài toán thiếu điện.
"Trong 25 dự án quy hoạch điện VII đến năm 2020 thì EVN đang xây dựng 14 dự án, 11 dự án chuẩn bị đầu tư, trong đó có bốn dự án đang lựa chọn nhà thầu để khởi công năm 2011" Ông Dương Quang Thành (phó tổng giám đốc EVN) |
Theo quy hoạch mới, đến năm 2015 sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu/năm của VN phải đạt 194-210 tỉ kWh, cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước (khả năng hiện tại gần 100 tỉ kWh/năm). Năm 2020 phải đưa tổ máy điện hạt nhân đầu tiên vào vận hành.
Chính phủ yêu cầu đến năm 2020, tổng công suất hệ thống phải đạt khoảng 75.000MW (hiện tại trên 19.000MW). Theo cơ cấu mới, sự phụ thuộc vào thủy điện sẽ phải giảm từ trên 30% hiện nay xuống 23,1% vào năm 2020. Tổng vốn đầu tư cho toàn ngành điện đến năm 2020 sẽ lên tới khoảng 929.700 tỉ đồng (khoảng 48,8 tỉ USD, mỗi năm cần khoảng 4,88 tỉ USD). Để có số vốn này, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ sẽ phải thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng trao đổi thêm:
- Hiện giá điện bình quân là 1.242 đồng/kWh, vẫn thấp hơn so với giá để ngành điện vận hành có lãi. Tập đoàn Điện lực VN (EVN) hiện đang rất khó khăn, năm 2010 đã lỗ 8.185 tỉ đồng, sáu tháng đầu năm lỗ gần 3.500 tỉ đồng. Hiện EVN đang nợ các Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) gần 10.000 tỉ đồng nên giải pháp trong tổng sơ đồ VII phải đảm bảo nguồn tài chính lớn: 10 năm đầu mỗi năm cần 5 tỉ USD, 10 năm sau mỗi năm cần 7,5 tỉ USD.
Có nhiều giải pháp huy động vốn vào điện, nhưng quan trọng là giá điện phải đủ bù đắp chi phí để các nhà đầu tư đầu tư vào điện. Chính sách là sẽ điều chỉnh giá điện để đảm bảo chi phí sản xuất điện vào năm 2020 khoảng 8-9 cent/kWh (khoảng 1.800 đồng/kWh). Điều chỉnh thế nào, lúc nào Chính phủ sẽ xem xét cụ thể.
* Vấn đề đầu tư tư nhân được nhìn nhận và khuyến khích thế nào?
- Chúng ta đang khuyến khích đầu tư tư nhân vào điện, hiện đang triển khai 11 dự án BOT với các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu là nhiệt điện than, một số là khí. Nhiều nhà đầu tư trong nước đã đầu tư vào dự án thủy điện nhỏ. Tuy nhiên, điện năng các nhà máy nhỏ cung cấp cho hệ thống không nhiều, một số nhà máy thủy điện nhỏ khi xây dựng gây ngập lụt và ảnh hưởng tới môi trường... Thời gian tới Bộ Công thương sẽ rà soát các dự án này để đầu tư vào thủy điện nhỏ hiệu quả, không gây ảnh hưởng môi trường lớn.
* Trong quy hoạch điện VII, EVN sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm tổng cơ cấu nguồn và được giao bao nhiêu phần trăm cơ cấu nguồn mới?
- Hầu hết các dự án nguồn đến năm 2020 đều đã xác định chủ đầu tư. Vẫn còn nhiều dự án do EVN đầu tư, phần còn lại do các tập đoàn PVN, TKV; số ít của các nhà đầu tư nước ngoài... Vai trò quyết định vẫn thuộc về các tập đoàn lớn của Nhà nước. Hiện EVN đầu tư dưới 50% các dự án (39 dự án), tổng công suất trên 27.000MW, thời gian tới EVN vẫn tiếp tục đầu tư vào các dự án lớn của ngành điện.
* EVN đang nợ 10.000 tỉ đồng, từ nay tới cuối năm liệu có phải giúp EVN trả nợ bằng cách tăng giá điện?
- Hiện giá điện của EVN đang áp dụng thấp hơn thực tế, chưa đủ để EVN hoạt động có lãi. Còn tăng lúc nào phải tính toán cho phù hợp.
PHẠM PHƯƠNG ghi