Sản xuất công nghiệp tháng 7: Mức tăng cao nhất từ đầu năm

Cập nhật: 2011-08-04 01:56:43

Tại cuộc họp giao ban tháng 7 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 1/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh nhận định: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tháng 7 đã tăng 6,1% so với tháng 6. Đây là mức tăng lớn nhất từ đầu năm đến nay.

Tại cuộc họp giao ban tháng 7 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 1/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh nhận định: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tháng 7 đã tăng 6,1% so với tháng 6. Đây là mức tăng lớn nhất từ đầu năm đến nay.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 so với tháng 3 tăng 3,5%; tháng 5 so với tháng 4 tăng 3,1% và tháng 6 so với tháng 5 tăng 4,6%. Đến tháng 7, chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng 6,1% so với tháng 6. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ đầu năm. Mức tăng này được quyết định bởi nhiều ngành đã duy trì được sự tăng trưởng đều đặn và ổn định.

Giấy, dệt may, da giày, tăng mạnh

Do tháng 7 là thời điểm chuẩn bị cho năm học mới 2011 – 2012 nên sản xuất giấy tăng khá mạnh. Cụ thể, lượng giấy sản xuất tháng 7 ước đạt 181 nghìn tấn, tăng 10% so với tháng 6 và tăng 11% so với tháng 7/2010. Năm nay, thị trường tiêu thụ giấy tăng mạnh ngay từ cuối hè do tâm lý của người tiêu dùng lo khan giấy viết vào đầu năm học như năm ngoái. Nhờ chủ động sản xuất, đảm bảo nguồn cung và phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý thị trường nên giá giấy trong tháng khá ổn định, đặc biệt là mặt hàng giấy in, giấy viết.

Từ tháng 7/2011 trở đi, sản xuất công nghiệp sẽ được tính theo chỉ tiêu thống kê “chỉ số sản xuất công nghiệp hàng tháng” (IPP) thay thế cho chỉ tiêu “giá trị sản xuất công nghiệp theo giá cố định 1994 hàng tháng”. Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh nhận định: Sản xuất công nghiệp hiện đã thay đổi lớn về quy mô nên phương pháp tính giá trị sản xuất công nghiệp theo giá cố định năm 1994 không còn phù hợp. Để khắc phục, Tổng cục Thống kê đã nghiên cứu nhằm áp dụng bộ chỉ số sản xuất công nghiệp để phù hợp hơn với tình hình thực tế.

Cũng trong tháng 7, sản xuất dệt may vẫn ổn định và tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là vải sợi tổng hợp, vải sợi nhân tạo và quần áo cho người lớn. Cụ thể, vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo tăng 20,5%, sản xuất quần áo cho người lớn tăng 14,9% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng dệt và may mặc ước đạt 7,56 tỷ USD, tăng 29,4% so với cùng kỳ. Đặc biệt, trong tháng 7, Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí đã sản xuất lô sản phẩm đầu tiên đánh dấu bước khởi đầu của ngành công nghiệp sản xuất xơ sợi tổng hợp ở Việt Nam với công suất 175 nghìn tấn xơ sợi các loại/năm.

Tương tự như ngành dệt may, ngành da giày sản xuất tháng 7 ổn định và tăng nhẹ so với tháng 6, tính chung 7 tháng, so với cùng kỳ, giầy thể thao ước đạt 201,5 triệu đôi, tăng 15,8%; giầy, dép, ủng giả da các loại ước đạt 30,0 triệu đôi, tăng 4,3%. Kim ngạch xuất khẩu giầy dép 7 tháng ước đạt 3,6 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ.

Điện, sắt thép, khí thiên nhiên, hàng điện tử điện lạnh giảm

Bên cạnh sự tăng mạnh của các ngành trên, tình hình sản xuất một số ngành khác lại có xu hướng giảm nhẹ. Cụ thể, sản xuất điệntháng 7 ước đạt 8,79 tỷ kWh, tăng 4,5% so với tháng 7/2010. Đây được cho là tốc độ tăng khá thấp so với kế hoạch đề ra là tăng khoảng 10% so với cùng kỳ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số nhà máy đang tiến hành đại tu theo định kỳ như: tổ máy 2, 4 (Nhiệt điện Phả Lại 1); tổ máy 5 (Nhiệt điện Phả Lại 2); tổ máy 4 (Nhiệt điện Ninh Bình); tổ máy 1 (Thủy điện Yaly); tổ máy 3 (Thủy điện Đa Nhim)... Ông Dương Quang Thành – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: “Vừa qua, do lưu lượng nước về các nhà máy thủy điện đang ở mức khá cao nên EVN đã tiến hành đại tu, sửa chữa một số nhà máy nhiệt điện (kể cả các nhà máy ngoài EVN) để đảm bảo công suất và khả năng cung ứng điện trong tháng 8 và tháng 9 dự báo sẽ khó khăn do việc cung cấp khí gián đoạn”.

Tình hình cung cấp điện trong tháng 7 tương đối ổn định, đảm bảo nhu cầu phụ tải, nhất là trong các đợt thi đại học và cao đẳng 2011. Cung cấp điện tháng 7 ước đạt 8,37 tỷ kWh, tăng 2,7% so với tháng 6 nên tính chung 7 tháng ước đạt 53,05 tỷ kWh, tăng 11,2% so với cùng kỳ, trong đó: điện cung cấp cho công nghiệp và xây dựng tăng 15,96%, chiếm tỷ trọng 53%; điện dùng cho khu vực thương nghiệp, khách sạn nhà hàng tăng 4,78%, chiếm tỷ trọng 4,38%; điện cho tiêu dùng dân cư tăng 4,28%, chiếm tỷ trọng 35,84%.

Do bắt đầu bước vào mùa mưa, nhu cầu xây dựng giảm nên sản xuất thép tháng 7 tiếp tục giảm, lượng tồn kho tăng thêm. Cụ thể, lượng tồn kho thép xây dựng hiện vào khoảng gần 450 nghìn tấn, phôi thép nhiều hơn, khoảng 470 nghìn tấn, sản lượng thép các loại tính đến hết tháng 7 ước đạt gần 4,4 triệu tấn, chỉ tăng chút ít so với cùng kỳ (1,6%).

Trong tháng 7, sản lượng khai thác khí thiên nhiên cũng giảm 4,1% so với tháng 6, ước đạt 0,66 tỷ m3; tính chung 7 tháng ước đạt 5,3 tỷ m3, bằng 94,7% so với cùng kỳ.

Ngành Cơ khí, Điện tử đang đối mặt với nhiều khó khăn do sức mua giảm mạnh, người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng, chi phí hoạt động quảng cáo trong ngành cao hơn các ngành khác... Dù đã vào mùa nhưng tiêu thụ sản phẩm điện tử, điện lạnh vẫn không tăng (nhất là sản phẩm máy điều hòa nhiệt độ). Bên cạnh đó, hiện tượng nhập lậu các thiết bị điện, linh kiện điện tử, điện thoại di động và phụ tùng xe gắn máy, ô tô có nguồn gốc từ Trung Quốc ngày càng nhiều gây khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Vì vậy, sản lượng một số sản phẩm giảm đáng kể như: điều hoà nhiệt độ giảm 22,0%, tủ lạnh, tủ đá giảm 14,3%, lắp ráp ô tô giảm 9,4%,...

Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh cho biết thêm: “Ba tháng gần đây, hoạt động sản xuất công nghiệp biến động thất thường do ảnh hưởng của giá các loại hàng hóa, nguyên vật liệu trên thị trường thế giới tăng; lãi suất ngân hàng tăng cao gây trở ngại trong việc tiếp cận nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Sức mua trong nhân dân lại giảm do tiết kiệm chi tiêu... Do vậy, để tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất ổn định, trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục đẩy mạnh cải tiến công nghệ, tăng cường quản lý, nghiên cứu sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị trong nước đã sản xuất được để giảm chi phí, hạ giá thành nhằm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh./.

(VEN)

Tin tứcQuy địnhBảng giá QC
Góp ý
Loading