Sử dụng thủy ngân rắn trong sản xuất đèn huỳnh quang
Mới đây, Công ty Điện tử Philips Việt Nam đã triển khai dự án cải tiến công nghệ sản xuất đèn huỳnh quang tuýp gầy (T8) tại nhà máy của công ty đặt tại Khu Công nghiệp Biên Hòa II, Đồng Nai.
Mới đây, Công ty Điện tử Philips Việt Nam đã triển khai dự án cải tiến công nghệ sản xuất đèn huỳnh quang tuýp gầy (T8) tại nhà máy của công ty đặt tại Khu Công nghiệp Biên Hòa II, Đồng Nai.
Philips Việt Nam đã đầu tư nhiều tỷ đồng để chuyển sang công nghệ sản xuất đèn huỳnh quang tuýp gầy sử dụng thủy ngân dạng rắn thay cho thủy ngân dạng lỏng. Dự án được triển khai từ tháng 10/2011. Đến tháng 11/2011 công nghệ mới đã được ứng dụng thành công vào toàn bộ dây chuyền sản xuất đèn huỳnh quang tuýp tại nhà máy. Công ty đã giảm được gần gấp đôi hàm lượng thủy ngân trong đèn huỳnh quang tuýp Philips Lifemax (loại 36W và 18W) từ khoảng 17 mg xuống dưới 9 mg.
Hàm lượng thủy ngân của Philips Lifemax sản xuất theo dây chuyền công nghệ mới được cho là thấp nhất hiện nay trong số các loại đèn huỳnh quang tuýp T8 đang lưu hành trên thị trường. Mức này cũng thấp hơn nhiều so với hàm lượng giới hạn cho phép là 15 mg cho mỗi bóng đèn tuýp theo thông tư của Bộ Công thương quy định tạm thời về giới hạn hàm lượng cho phép của một số hóa chất độc hại trong sản phẩm điện, điện tử (có hiệu lực từ đầu năm nay).
Công nghệ thủy ngân rắn được ứng dụng phổ biến trong sản xuất đèn huỳnh quang compact. Philips Việt Nam là một trong những công ty đầu tiên ứng dụng công nghệ này vào đèn huỳnh quang tuýp. Ông Alex Ngian, Tổng Giám đốc Ngành Chiếu sáng của Philips Việt Nam cho biết ngoài chi phí đầu tư cải tiến công nghệ, chi phí sản xuất trên dây chuyền công nghệ mới cũng tăng thêm bởi quy trình sản xuất mới phức tạp hơn và thủy ngân dạng rắn đắt hơn thủy ngân dạng lỏng.
Đèn huỳnh quang tuýp gầy được sử dụng rất phổ biến trong nhiều ứng dụng chiếu sáng. |
Thủy ngân là hóa chất xúc tác thiết yếu để đèn huỳnh quang phát sáng. Một bóng đèn huỳnh quang tuýp có thể chứa từ 3 mg đến 46 mg thủy ngân, tùy vào kích thước, công nghệ sản xuất, thương hiệu của đèn... Lượng thủy ngân này hầu như vô hại trong điều kiện bình thường, nhưng nếu đèn bị vỡ hoặc đèn đã qua sử dụng không được xử lý đúng cách, hơi thủy ngân thoát ra có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiếp xúc trực tiếp hoặc hít phải. Gần đây, nhiều nước trên thế giới đã đưa ra các quy chuẩn giới hạn hàm lượng thủy ngân trong đèn huỳnh quang. Tại một số nước tiên tiến và các nước thuộc Liên minh châu Âu, hàm lượng thủy ngân trong mỗi bóng đèn huỳnh quang tuýp hiện bị giới hạn ở mức phổ biến từ 10 mg đến 15 mg.
Philips Lifemax thế hệ mới sẽ được phổ cập rộng rãi qua các chương trình khuyến khích chuyển đổi công nghệ chiếu sáng của Philips Việt Nam. |
Việc giảm thiểu hàm lượng thủy ngân trong đèn huỳnh quang tuýp bằng cách ứng dụng thủy ngân dạng rắn được xem là một bước tiến công nghệ sản xuất bóng đèn tại Việt Nam. Ngành chiếu sáng của Philips có tổng doanh thu năm 2011 đạt 7,64 tỷ euro. Tập đoàn có trụ sở đặt tại Hà Lan này cũng mạnh về lĩnh vực chiếu sáng xanh, hiệu quả năng lượng và các ứng dụng chiếu sáng mới.
(Nguồn: Philips)