Sữa nội khó cạnh tranh do… tâm lý “sính ngoại”
Ông Trịnh Quý Phổ, Tổng Thư ký Hiệp hội sữa Việt Nam khẳng định, chất lượng sữa nội không kém gì sữa ngoại. Nhưng do tâm lý “sính ngoại” của người tiêu dùng nên sữa nội khó cạnh tranh với sữa ngoại.
Ông Trịnh Quý Phổ, Tổng Thư ký Hiệp hội sữa Việt Nam khẳng định, chất lượng sữa nội không kém gì sữa ngoại. Nhưng do tâm lý “sính ngoại” của người tiêu dùng nên sữa nội khó cạnh tranh với sữa ngoại.
Ông Trịnh Quý Phổ, Tổng Thư ký Hiệp hội sữa Việt Nam cho biết, hiện Hiệp hội có 8 hội viên sản xuất sữa với sản lượng rất lớn. Đơn cử như Vinamilk có tới 12 nhà máy sản xuất sữa, nhiều nhà máy có công suất lên đến hàng chục nghìn tấn sữa bột/năm.
Công nghệ của ngành sữa được đầu tư với quy mô hoàn chỉnh, hiện đại, là một trong số ít các ngành có trình độ công nghệ ngang bằng so với trình độ công nghệ tiên tiến của ngành sữa thế giới.
Các nhà máy được đầu tư dây chuyền thiết bị đồng bộ khép kín, tự động hóa từ khâu nguyên liệu cho tới khâu thành phẩm, áp dụng công nghệ tiên tiến của các hãng có uy tín về công nghiệp chế biến sữa trên thế giới như: Tetra Pak, Delaval của Thụy Điển, APV của Đan mạch, GEA, Benco Pak của Italia...
Về chất lượng sữa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất được ông Phổ khẳng định rằng không hề thua kém sản phẩm nhập ngoại. Vinamilk đã sản xuất được sữa tương đương với chất lượng sữa của Abbott (Hoa Kỳ).
“Nếu chất lượng sữa nội kém sữa ngoại thì làm sao một năm sữa Việt Nam vẫn xuất khẩu sang 26 nước thu về 180 triệu USD. Chắc “người Tây” dại khi đi mua sữa của Việt Nam?”, ông Phổ phân tích.
Tuy nhiên, do tâm lý “sính ngoại”, các sản phẩm trong nước chưa xây dựng được thương hiệu nên khó cạnh tranh với các hãng sữa ngoại.
Điển hình là vụ sữa dê danlait của Công ty Mạnh Cầm. Đây là thức ăn bổ sung, chỉ có 18% độ đạm nhưng khi nhập khẩu về Việt Nam, doanh nghiệp đã “lòe” người tiêu dùng là sữa dê. Trong khi đó, sữa dê phải đảm bảo trên 30% độ đạm.
Với những phân tích trên, ông Phổ cho rằng, cuộc đua giành thị phần giữa các doanh nghiệp sữa nội và ngoại ở Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào tư duy của người tiêu dùng. Còn phía doanh nghiệp, nếu không đảm bảo được chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm chắc chắn sẽ bị người tiêu dùng từ chối.
Hiện nay, tổng năng lực sản xuất của toàn ngành sữa khá lớn: Sữa đặc có đường 796,2 triệu hộp/năm, sữa bột 101,5 ngàn tấn/năm, sữa thanh trùng và tiệt trùng 778,3 ngàn tấn/năm và sữa chua 150,8 ngàn tấn/năm. Sản phẩm của ngành phong phú, mẫu mã bao bì đa dạng với trên 300 chủng loại sản phẩm, chất lượng, khẩu vị ngày càng được cải thiện, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.