Thăng trầm doanh nghiệp dầu khí thời khủng hoảng

Cập nhật: 2013-05-28 01:34:38

Mở rộng đa ngành sang các lĩnh vực tài chính, bất động sản... nhiều công ty thuộc "họ" dầu khi gắp không ít rủi ro trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Trong khi đó, những đơn vị tập trung vào chuyên môn chính vẫn có được doanh thu ổn định.

Mở rộng đa ngành sang các lĩnh vực tài chính, bất động sản... nhiều công ty thuộc "họ" dầu khi gắp không ít rủi ro trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Trong khi đó, những đơn vị tập trung vào chuyên môn chính vẫn có được doanh thu ổn định.

Đến giữa tháng 5, trên hai sàn chứng khoán Hà Nội và TP HCM có khoảng 30 doanh nghiệp họ dầu khí niêm yết thuộc nhiều lĩnh vực xây dựng vật liệu, sản xuất, tài chính và du lịch. Trên 80% số này là các công ty con, doanh nghiệp liên kết của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam).

Tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất của hơn 20 công ty họ dầu khí niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh đạt gần 1.490 tỷ đồng, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Những đơn vị thuộc PetroVietnam chiếm tới 99% lợi nhuận chung toàn họ dầu khí, theo số liệu của VNDirect.

Hầu hết các công ty con của PetroVietnam đều thu lãi từ vài tỷ đến vài trăm tỷ, tập trung chính ở các mảng xây dựng, giao thông công nghiệp hay sản xuất thuộc lĩnh vực dầu khí, tài chính.

khoan-dau-khi-1369624552_500x0.jpg
Những đơn vị thuộc Petro Vietnam chiếm phần lớn lợi nhuận chung của toàn ngành dầu khí. Ảnh:PVN.

6 công ty chịu cảnh thua lỗ trong quý I. Đáng chú ý là Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC, Mã CK: PVX) với lỗ sau thuế gần 75 tỷ đồng, lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm còn 31,8 tỷ đồng. Năm 2012, doanh nghiệp này cũng khiến giới đầu tư choáng váng vì mức lỗ “khủng” gần 1.850 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Kinh doanh Dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVCR, Mã CK: PVR) cũng lỗ hơn 3,5 tỷ đồng. Doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản này không có nợ dài hạn, nhưng vay nợ ngắn hạn tới hơn 128 tỷ đồng, còn tổng tài sản khoảng gần 1.067 tỷ, vốn chủ sở hữu hơn 529 tỷ đồng.

Do thị trường diễn biến bất lợi, giống như phần lớn các công ty bất động sản khác, PVCR cho biết đang gặp khó khăn trong việc thu xếp vốn, huy động các nguồn thực hiện dự án. Do đó, công ty đang lên kế hoạch thoái vốn tại một số dự án, trong đó có CT15 Việt Hưng, (Long Biên Hà Nội). Doanh nghiệp cũng đã có nghị quyết về chủ trương chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần góp vốn tại công trình, giá bán căn hộ cũng hạ 2,8-3,55 triệu đồng mỗi m2. Dự án CT10-11 Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội (Hanoi Time Tower) cũng có chủ trương chuyển nhượng một phần.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược Thị trường, Công ty Chứng khoán Maritime Bank (MSBS) cho rằng hiện có nhiều công ty họ dầu khí đầu tư thiên về các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, tài chính. Hầu hết số này hoạt động không hiệu quả trong bối cảnh địa ốc ảm đạm. Tuy nhiên, cũng có một vài doanh nghiệp tập trung vào ngành nghề chính,  tạo được sản phẩm ưu việt... nên vẫn có thị trường, doanh thu ổn định.

Chẳng hạn trường hợp Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, Mã CK: DPM) hay Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVDrilling, Mã CK: PVD) với lợi nhuận sau thuế đều đạt hàng trăm tỷ đồng. Theo báo cáo hợp nhất quý I, tổng doanh thu Đạm Phú Mỹ đạt gần 2.900 tỷ đồng, tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động tài chính cũng đóng góp thêm cho Đạm Phú Mỹ 76,8 tỷ đồng doanh thu, chủ yếu là lãi tiền gửi, cho vay. Tính riêng các khoản tiền và tương đương tiền doanh nghiệp có gần 5.630 tỷ đồng.

Với Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVDrilling, Mã CK: PVD), báo cáo hợp nhất quý I cũng cho thấy doanh thu tăng 34,6% so với cùng kỳ năm ngoái, lên gần 3.180 tỷ đồng. Đến ngày 31/3, PVDrilling còn hơn 915 tỷ đồng tiền mặt đang gửi ngân hàng.

Là doanh nghiệp mang "gốc" dầu khí nhưng lại kinh doanh chính trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, kết thúc quý I/2013, Tổng công ty tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC, mã CK: PVF) có lợi nhuận bằng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, khi đánh giá về kết quả đạt được, bản thân lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng con số lãi 16,6 tỷ đồng là "sự nỗ lực rất lớn" trong bối cảnh khó khăn.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Đình Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVFC cho biết, nguyên nhân giảm lãi trong quý I vừa qua chủ yếu do kế hoạch tái cấu trúc nên phải trích lập rủi ro rất nhiều. Trong thời gian tới, khi PVFC sáp nhập với Ngân hàng Phương Tây, ông Lâm nhận định kết quả kinh doanh sẽ có nhiều dấu hiệu tốt đẹp dần.

Năm 2013, PVFC đặt mục tiêu doanh thu 5.507 tỷ đồng, bằng 73% so với thực hiện 2012. Tuy nhiên, lãi sau thuế dự kiến lại tăng 35% với 72,5 tỷ đồng.

“Cho đến giờ, tái cấu trúc kinh tế và tái cấu trúc ngân hàng vẫn cho hiệu quả rất cao. Với tình hình như vậy, tôi nghĩ tình hình kinh doanh của chúng tôi sẽ phát triển theo hướng ngày một ổn định và đạt hiệu quả lâu dài”, ông Lâm nói.

Sau khi sáp nhập, ông Lâm cũng khẳng định việc điều chỉnh giảm biên chế nhân sự là không có. “Hiện tại bộ máy nhân sự hoạt động của PVFC và Ngân hàng Phương Tây đều tinh gọn, cho nên sẽ không có chuyện chúng tôi giảm biên chế. Tuy nhiên nhu cầu đòi hỏi nhân sự có tài, có năng lực là rất lớn, bất kỳ tổ chức nào cũng vậy, do đó chúng tôi sẽ còn tuyển thêm”, ông Lâm bỏ ngỏ.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp nói chung và dầu khí nói riêng muốn sống tốt cần phải tập trung vào lĩnh vực chuyên môn, đúng ngành. Thị trường bất động sản ảm đạm, nên chuyện các doanh nghiệp thuộc họ dầu khí phải bán bớt dự án, hạ giá bán cũng là điều dễ hiểu. “Tập trung vào lĩnh vực chính sẽ tránh tiêu hao năng lực cũng như rủi ro để dồn sức phát triển doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn”, bà Chi Lan nói.


Tin tứcQuy địnhBảng giá QC
Góp ý
Loading