Tiểu thương lao đao vì sức mua

Cập nhật: 2013-05-31 01:42:01

Nhiều tiểu thương tại TP.HCM hiện “đứng ngồi không yên" vì sức mua đang "thoi thóp".

Nhiều tiểu thương tại TP.HCM hiện “đứng ngồi không yên" vì sức mua đang "thoi thóp".

 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 5 của TP.HCM giảm 0,16% so với tháng trước và là tháng thứ ba liên tiếp giảm.

Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu

Trong thời buổi kinh tế khó khăn, thu nhập của gia đình cũng theo đó bị giảm sút, thêm vào đó giá cả tăng nhanh đã khiến cho người tiêu dùng buộc phải tính toán đến các khoản chỉ tiêu của gia đình.

Chị Phan Tố Quyên, nhân viên kinh doanh của Công ty cổ phần phát triển khoa học công nghệ Vina ở phường 4, quận Phú Nhuận cho biết, hiện chị đang phải thắt chặt chi tiêu vì công ty đang gặp khó khăn dẫn đến thu nhập của bản thân cũng giảm sút đáng kể. “Trước đây, với mức thu nhập trung bình từ 10-12 triệu đồng/tháng, tôi thường dành khoảng 40% thu nhập của mình vào việc ăn uống, mua sắm... Tuy nhiên, từ đầu năm 2013 đến giờ, do thu nhập bị bị cắt giảm chỉ còn khoảng 8 triệu đồng/tháng nên tôi phải chi tiêu tiết kiệm hơn, mỗi sáng đều mang cơm đi ăn trưa tại công ty và buổi tối về nhà ăn, các khoản mua sắm giảm đáng kể".

Trong khi đó, chị Lê Hoài An, nhân viên văn phòng một công ty trên đường Cộng Hòa (Tân Bình) than thở: “Do tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập mỗi tháng của vợ chồng tôi cũng chị được khoảng 12 triệu, trong khi đó lại phải lo cho con cái học hành. Vì vậy, tôi không còn thường xuyên mua thịt bò, heo, gà... để ăn như trước mà luôn cân nhắc rất lâu mỗi phiên chợ buổi sáng. Không những cắt giảm chi tiêu, ngay bữa cơm bây giờ của gia đình tôi cũng chủ yếu là rau, đậu, trứng vì mỗi bữa chỉ gói trong 30.000-40.000 đồng”.

Tiểu thương lao đao

Khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, việc buôn bán của các tiểu thương lại phải chịu cảnh buôn bán ế ẩm. 9 giờ sáng 27-5, tại chợ Bến Thành, dù được xem là giờ cao điểm mua sắm của chợ nhưng không khí tại đây vẫn khá vắng vẻ. Tại khu vực ngành hàng quần áo còn có một vài khách hàng đến mua sắm, còn lại các mặt hàng khác như vải sợi, giày dép… hầu như chỉ có người bán ngồi nhìn nhau.

Chị Hoàng Thùy Dung, người bán hàng vải sợi tại đây cho biết: “Sức mua trong 3 tháng vừa qua đã giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Bây giờ, tiền bán hàng mỗi ngày còn không đủ để trang trải cho chi phí ngồi chợ, huống chi nói đến chuyện có lãi”.

Mới hơn 9 giờ sáng nhưng theo quan sát của chúng tôi đã có khá đông tiểu thương đang cho dọn hàng về nghỉ sớm. Bà Lê Thị Bé, người buôn bán thịt lợn tại chợ Tân Chánh Hiệp (quận 12) cho biết: “Có ngồi thêm cũng chỉ mệt người thôi em ơi, ngày nào cũng vậy, tầm này là không còn ai mua bán gì rồi. Dạo trước, mỗi ngày nhập hơn 100 kg nhưng bán đều đều, khỏe re. Bây giờ mỗi ngày nhập chưa đến 60 kg thịt, ngồi trơ mặt mãi vẫn không bán hết”.

Bà Nguyễn Thị Lệ Hoa- Trưởng Ban quản lý chợ Tân Chánh Hiệp cho biết, hiện chợ này có 630 sạp hàng nhưng do tình hình kinh tế eo hẹp, sức mua giảm nên đã có hơn 30 sạp phải đóng cửa và sang lại cho người khác trong thời gian vừa qua.

Theo khảo sát của phóng viên, thực trạng này cũng đang diễn ra tại hầu hết các ngôi chợ truyền thống trên địa bàn thành phố. Nổi tiếng như chợ An Đông, Tân Định… nhưng những tiểu thương tại đây cũng không tránh khỏi “quy luật” sức mua giảm khá mạnh so với thời gian này năm ngoái.

Trao đổi phóng viên báo Hải quan về vấn đề này, TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết, hiện tượng chỉ số CPI giảm là dấu hiệu cho thấy lạm phát đang được kiềm chế. Tuy nhiên, CPI âm trong ba tháng liên tiếp lại là một biểu hiện đáng lo ngại của nền kinh tế. Nó phản ánh sức mua của phần lớn người tiêu dùng hiện nay đang ở mức rất thấp. Khi sức mua yếu, chắc chắn việc giải phóng hàng tồn kho của doanh nghiệp sẽ càng khó khăn hơn. Thậm chí nó đẩy hàng tồn kho tiếp tục tăng lên. Do đó cũng cần phải tiếp tục đẩy mạnh việc bình ổn thị trường để giữ cho giá cả không leo thang thêm nữa.

Báo hải quan


Tin tứcQuy địnhBảng giá QC
Góp ý
Loading