Tránh bẫy mua hàng trả góp

Cập nhật: 2013-06-26 01:17:20

So sánh giá giữa các cửa hàng, tránh xa những nơi áp dụng lãi suất thả nổi, lưu ý chất lượng sản phẩm, thời hạn bảo hành... sẽ giúp người tiêu dùng không bị rơi vào tình trạng mua hàng trả góp với giá quá đắt hoặc lãi mẹ đẻ lãi con.

Trước khi mua hàng, người tiêu dùng nên khảo sát giá trước. Ảnh: Hồng Châu

 So sánh giá giữa các cửa hàng, tránh xa những nơi áp dụng lãi suất thả nổi, lưu ý chất lượng sản phẩm, thời hạn bảo hành... sẽ giúp người tiêu dùng không bị rơi vào tình trạng mua hàng trả góp với giá quá đắt hoặc lãi mẹ đẻ lãi con.

Mua hàng trả góp là hình thức mà người mua chỉ thanh toán ngay một phần giá trị món hàng, số còn lại sẽ trả dần theo thỏa thuận giữa hai bên. Tuy nhiên, nếu không tỉnh táo, người tiêu dùng dễ bị rơi vào bẫy.

Bí quyết của chị Thanh, ở quận Thủ Đức là trước khi mua cần tìm hiểu kỹ giá thực của món hàng, so sánh với các nơi khác. Bởi lẽ, nếu không biết gì về giá cả của món hàng, người bán có thể nâng lên cao chót vót, phần thiệt thòi sẽ rơi vào khách hàng.

"Có nơi quảng cáo lãi suất 0% nhưng thực chất giá món hàng đã đội lên 20%", chị Thanh lưu ý. Trước đó, chị từng có ý định mua xe máy trả góp nên tham khảo ở khắp nơi. Giá thực của chiếc xe mà chị ưng ý chỉ 18 triệu đồng nhưng khi bán trả góp, chủ cửa hàng nâng lên 22 triệu, yêu cầu thanh toán trong vòng 6 tháng. Ban đầu người mua phải trả trước 10%, tức 2,2 triệu đồng, số tiền còn lại mỗi tháng sẽ trả 3,3 triệu đồng. Nếu sau 6 tháng khách hàng không trả hết số tiền còn lại sẽ bị tính thêm lãi suất.

Do vậy, theo kinh nghiệm chị Thanh, khi quyết định mua hàng trả góp, khách hàng  nên thăm dò, so sánh giá tiền và lãi suất mà các cửa hàng đưa ra. Thông thường cùng một chủng loại sản phẩm, mỗi nơi sẽ có mức giá chênh lệch nhau.

Còn chị Linh, ở quận 5 chia sẻ, khi mua hàng trả góp nên tránh xa những nơi áp dụng lãi suất thả nổi. Một số đơn vị liên kết với ngân hàng và khách sẽ thanh toán tiền qua nhà băng, từ đó tiền mới chuyển tới tay doanh nghiệp. Nếu trả tiền theo kiểu này, người tiêu dùng dễ rơi vào bẫy lãi suất cao, bởi lãi suất thả nổi có thể cao hơn nhiều so với lúc mua hàng ban đầu.

Chị kể, khi mua chiếc xe Honda Lead mới ra với giá 38 triệu đồng, trả góp với thời hạn 6 tháng, lãi suất 2 tháng đầu chỉ 12%, nhưng sau đó ngân hàng điều chỉnh có tháng lên tới 14%, thậm chí 17% khiến tình hình tài chính của gia đình chị căng như dây đàn, bởi lương của 2 vợ chồng cộng lại trên 10 triệu đồng. Có tháng không huy động kịp, chị còn bị nhà băng phạt thêm tiền vì thanh toán chậm.

"Do không tìm hiểu kỹ nên tôi đành tuân thủ theo hợp đồng và cố gắng trả trước thời hạn để giảm bớt gánh nặng lãi suất. Trước khi ký vào hợp đồng vay của ngân hàng hoặc hợp đồng mua trả góp với đơn vị bán hàng, người tiêu dùng cần đọc kỹ tất cả các điều khoản và yêu cầu nhân viên tư vấn giải thích rõ những hoài nghi của mình", chị đưa lời khuyên.

Với chị Hạnh, ở quận Gò Vấp, khi mua, người tiêu dùng cần lưu ý chất lượng sản phẩm, và nên tìm đến những cửa hàng, trung tâm có uy tín.

Chị kể, có lần mua máy tính, vì nghĩ rằng sản phẩm mới sẽ đảm bảo chất lượng nên khi đi mua hàng chị chỉ nhìn mẫu mã mà không chú ý đến chất lượng cũng như chế độ bảo hành. Kết quả, mới mua được một năm, máy của chị bị hỏng ổ cứng. Vì hạn bảo hành chỉ 12 tháng nên chị phải bỏ ra 2 triệu đồng để mua ổ cứng mới.

Chị đúc kết kinh nghiệm chỉ nên mua những vật dụng cần thiết cho công việc hay cuộc sống chứ không nên mua trả góp tràn lan sẽ dễ rơi vào cảnh túng thiếu, lãi mẹ sẽ đẻ lãi con.

Anh Thành, ở quận Tân Bình từng hớn hở với thông tin trả góp thông qua thẻ tín dụng có lãi suất bằng 0. Tuy nhiên, anh không chú ý tới hạn thanh toán nên sau 3 tháng mới trả tiền ngân hàng. Do vậy, trong 3 tháng đó tài khoản của anh đã bị tính lãi cao. Không những thế anh còn bị liệt vào “sổ đen” của ngân hàng là chi vượt hạn mức và trả không đúng thời hạn nên mỗi lần đi vay ngân hàng đều gặp không ít phiền toái.

"Chính vì thế, khi mua hàng trả góp thông qua thẻ tín dụng, người tiêu dùng nên nhớ hạn thanh toán và chi tiêu ở mức độ cho phép, tránh trường hợp vượt hạn mức mà chi trả chậm sẽ khiến nợ nần chồng chất", anh tư vấn.

 


Tin tứcQuy địnhBảng giá QC
Góp ý
Loading