Việt Nam tìm kiếm cơ hội giao thương mới tại APEC

Cập nhật: 2011-11-15 01:38:24

Bàn đàm phán tại Hawaii là nơi Việt Nam tiếp tục chứng tỏ vai trò trong việc thúc đẩy Hiệp định Hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương trở thành cơ sở để tạo ra một khu vực tự do thương mại của 21 nền kinh tế.

Bàn đàm phán tại Hawaii là nơi Việt Nam tiếp tục chứng tỏ vai trò trong việc thúc đẩy Hiệp định Hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương trở thành cơ sở để tạo ra một khu vực tự do thương mại của 21 nền kinh tế.

Hình thành từ năm 2005 với 4 nước sáng lập là Brunei, Chile, New Zealand và Singapore, Hiệp định Hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được mở rộng sau đó một năm khi Australia, Malaysia, Peru, Mỹ và Việt Nam bắt đầu quá trình đàm phán để gia nhập. Tuy nhiên, Hiệp định này chỉ thực sự được nhắc đến như cơ sở để xây dựng khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương tại Hội nghị APEC năm nay.

Cơ sở này trở nên rõ ràng hơn khi lãnh đạo của 9 thành viên hiện tại của TPP - trong đó đại diện của Việt Nam là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng nhau ra tuyên bố chung, trong đó vạch ra những nguyên tắc cơ bản của cơ chế hợp tác nội khối tại Hawaii vào ngày 12/11. Cùng ngày, các vị lãnh đạo cũng thông qua báo cáo về TPP được Bộ trưởng Thương mại các nước xây dựng.

“Chúng tôi đã tiến hành 9 vòng đàm phán và cảm thấy hết sức hãnh diện khi có thể xây dựng được bản báo cáo, làm cơ sở cho những ý tưởng tiếp theo về một thỏa thuận đầy đủ. Thỏa thuận này sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, đầu tư và tạo tiền đề cho việc thành lập một khu vực thương mại tư do châu Á - Thái Bình Dương”, tuyên bố chung nêu rõ.

Cũng theo các nhà lãnh đạo, sau khi hoàn tất quá trình xây dựng, TPP sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường một cách toàn diện, đồng thời tạo được sự nhất trí cao hơn giữa các quốc gia thành viên trong việc gỡ bỏ dần các hàng rào thương mại cũng như đối đầu với những thách thức mới. “Nếu được hỗ trợ đầy đủ, thỏa thuận này sẽ thúc đẩy việc làm, tăng trưởng kinh tế và tạo ra mức sống cao hơn cho người dân các nước trong khu vực”, báo cáo khẳng định.

Cùng với việc thúc đẩy quá trình mở rộng TPP, tại Hội nghị lần này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn Việt Nam cũng tham gia tích cực vào các hoạt động chung của APEC xung quanh các vấn đề kinh tế. Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước khẳng định APEC đang đi những bước tích cực trong việc tăng cường các mối liên kết và hợp tác kinh tế khu vực, qua đó thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển bền vững.

Hội nghị APEC tiếp tục khẳng định vị thế quốc tế ngày một lớn của Việt Nam. Ảnh: AFP
Hội nghị APEC tiếp tục khẳng định vị thế quốc tế ngày một lớn của Việt Nam. Ảnh: AFP

Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng nhấn mạnh sự ổn định kinh tế vĩ mô và tăng cường năng lực cạnh tranh quan trọng như thế nào đối với các quốc gia đang trên còn đường hội nhập đầy đủ với kinh tế khu vực và thế giới như Việt Nam. Ông cũng đề cao vai trò của kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là APEC đối với sự phát triển của Việt Nam.

Theo Chủ tịch Sang, các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Đây cũng là khu vực chiến đến 65% vốn FDI, nhà cung cấp 80% các sản phẩm nhập khẩu và là thị trường cho 60% lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam. 75% lượng khách du lịch đến Việt Nam cũng là công dân của các nước trong khu vực.

Với vai trò quan trọng như vậy, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình hợp tác và các quan hệ kinh tế liên vùng, qua đó góp phần tạo nên một môi trường kinh doanh và đầu tư thân thiện đối với tất cả các doanh nghiệp.

Về phần mình, lãnh đạo các nền kinh tế APEC đều đánh giá cao các nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Đại diện các nước cũng bày tỏ mong muốn được hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Việt Nam trong quá trình tài cơ cấu nền kinh tế theo định hướng thị trường, phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.

Trước đó, Chủ tịch nước cũng đã có cuộc gặp với Tổng thống Chile - Sebastian Pinera, Tổng thống Peru Ollanta Humanla và đại diện lãnh đạo 11 quốc đảo Thái Bình Dương. Các bên đều đánh giá cao quan hệ hữu nghị với Việt Nam và mong muốn có các biện pháp nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ thương mại song phương. Cũng trong dịp này, Việt Nam và Chile đã tiến hành ký hiệp định thương mại tự do song phương trong khi Bộ Tài chính Việt Nam và Peru cũng đạt được thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực thuế.

Bên lề Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã có cuộc gặp gỡ song phương với lãnh đạo các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nga và Australia. Trong khi chủ đề Biển Đông là trọng tâm của phiên làm việc với Chủ tịch Trung Quốc - Hồ Cẩm Đào thì kinh tế lại là nội dung chủ đạo trong các cuộc hội đàm giữa Việt Nam với Nga và Australia.

Tiếp Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, Chủ tịch Trương Tấn Sang bày tỏ sự lạc quan với những bước phát triển vững chắc trong quan hệ hợp tác chiến lược giữa 2 bên thời gian qua. Chủ tịch cũng mong muốn phía Nga đẩy nhanh hơn nữa tốc độ đầu tư vào các dự án chung, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và quốc phòng. Trong khi đó, tại buổi làm việc với Thủ tướng Australia - Julia Gillard, Chủ tịch nước đã nhận được cam kết mạnh mẽ về đầu tư phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, an ninh - quốc phòng và du lịch...

Cũng trong khuôn khổ tuần lễ APEC tại Hawaii, Bộ trưởng Ngoại giao - Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng đã tham dự cuộc gặp của các Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC. Tại diễn đàn này, các đại diện của Việt Nam đã kêu gọi xây dựng một cơ chế hợp tác bền vững ở cấp khu vực, trong đó gắn liền yêu cầu về đảm bảo an ninh với hòa bình và phát triển bền vững.

Các bộ trưởng cũng đã thảo luận về việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng một môi trường kinh doanh thân thiện hơn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như ảnh hưởng của thiên tai tới việc phát triển kinh tế…

Nhật Minh (tổng hợp)

Tin tứcQuy địnhBảng giá QC
Góp ý
Loading