Vốn sẽ chảy vào không chỉ 4 lĩnh vực ưu tiên
Giai đoạn 2005 – 2010, khi nền kinh tế có mức tăng trưởng cao, sức hấp thụ vốn tốt, tăng trưởng tín dụng luôn ở mức cao. Nhưng hai năm trở lại đây tình hình không được “thuận” như vậy.
Giai đoạn 2005 – 2010, khi nền kinh tế có mức tăng trưởng cao, sức hấp thụ vốn tốt, tăng trưởng tín dụng luôn ở mức cao. Nhưng hai năm trở lại đây tình hình không được “thuận” như vậy.
Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, kinh tế nước ta vẫn giữ được xu hướng tăng, nhưng đã chậm lại.
Đặc biệt, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu ngành Ngân hàng nói riêng theo hướng chậm mà chắc sẽ khiến tăng trưởng tín dụng đã và sẽ không còn cao như trước đây. Năm 2011, tăng trưởng tín dụng ở mức 14%, nhưng dự báo năm nay con số này sẽ ở mức 6% - 7%, thấp hơn mục tiêu đề ra là 8% - 10%. Kinh tế thế giới khó có thể hồi phục trong năm tới; trong nước, hai “cục máu đông” là hàng tồn kho và nợ xấu đang ở bước đầu được xử lý.
Vậy đầu ra cho tín dụng ngân hàng trong năm tới sẽ như thế nào?
Bối cảnh chung là khó khăn, vì thế ngay từ bây giờ các NHTM đã phải hoạch định cho tăng trưởng tín dụng của năm 2013. Tăng bao nhiêu, đưa vốn vào đâu là câu hỏi không dễ trả lời. Nhưng với câu hỏi này, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học đều cho rằng: ưu tiên, hướng dòng vốn vào lĩnh vực nào thì vẫn phải đặt sự an toàn, hiệu quả, thận trọng lên trên hết. Có ý kiến cho rằng, đưa tín dụng vào lĩnh vực nào một phần sẽ tùy thuộc vào đối tượng khách hàng truyền thống và khẩu vị rủi ro của mỗi ngân hàng.
Còn theo TS. Cao Sỹ Kiêm – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia: Thời gian tới chúng ta vẫn phải tiếp tục đẩy tín dụng vào 4 lĩnh vực ưu tiên mà Chính phủ và NHNN đã đặt ra là: DNNVV, nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, và công nghiệp phụ trợ. Song, với đối tượng DNNVV hiện nay, không ít DN đang rất khó khăn, tiêu thụ hàng hóa chậm... Vì thế, “ưu tiên” nhưng không có nghĩa là phải cho vay bằng mọi giá. Cán bộ tín dụng của một NHTMCP có trụ sở tại Hà Nội cho biết, ngay từ nửa đầu năm 2012, khi tín dụng bị “tắc”, ngân hàng đã tìm hướng đẩy mạnh cho vay vốn lưu động, thời hạn cho vay chỉ 3 – 6 tháng nhằm quay vòng vốn nhanh, giảm rủi ro.
Với cho vay hỗ trợ xuất khẩu, các NHTM xác định đây sẽ vẫn là “lối ra” tốt cho tín dụng. Bởi mặc dù trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn khó khăn, nhưng nhìn vào chỉ số kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn thấy khả thi. Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tháng 10 cho thấy: kim ngạch xuất khẩu ước đạt 9,9 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng 9 và tăng 17,4% so với tháng 10/2011. Một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn có mức tăng khá như điện thoại và linh kiện, dệt may, thủy sản, máy móc, thiết bị và phụ tùng... Dự báo, xuất khẩu sẽ vẫn giữ được đà tăng vào năm tới. Vì thế, các NHTM đã, sẽ tiếp tục đưa ra các gói tín dụng hỗ trợ xuất khẩu cho năm 2013.
Đặc biệt, cho dù nền kinh tế khó khăn đến đâu thì việc lo cho cái ăn - an ninh lương thực; và an sinh xã hội của khu vực nông thôn, miền núi – nơi sinh sống của 70% dân số nước ta, sẽ vẫn là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Năm 2011, tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng 25%, nếu tính tỷ trọng dư nợ cho vay thì lĩnh vực này tăng 30%. 6 tháng đầu năm 2012 mặc dù tín dụng toàn nền kinh tế tăng chậm nhưng theo Vụ Tín dụng (NHNN) tín dụng cho khu vực tam nông đã đạt 518.120 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cuối năm 2011.
Chủ trương của NHNN là các NHTM phải dành tỷ lệ vốn nhất định (dự kiến sẽ áp dụng tỷ lệ 20%/tổng dư nợ) cho khu vực tam nông. Mặt khác, bản thân các NHTM cũng nhận thấy, cho vay khu vực này tuy “lắt nhắt” bởi những món vay nhỏ, địa bàn rộng... nhưng trong bối cảnh khó khăn thì năng nhặt, vẫn chặt bị.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng, năm 2013 tín dụng cá nhân sẽ tăng mạnh. Đặc biệt, nếu thị trường bất động sản vẫn còn đà giảm, thì nhu cầu vay vốn mua nhà ở của những người có nhu cầu thực sự sẽ tăng. Tuy nhiên, theo TS. Cao Sỹ Kiêm, cần phải chấn chỉnh lại thị trường bất động sản, để thị trường này ổn định, giá bất động sản về với giá trị thực, khi đó mới đẩy mạnh cho vay bất động sản. Bởi bài học “xương máu” với lĩnh vực cho vay bất động sản đã xảy ra ở Mỹ, Trung Quốc. Và cả Việt Nam hiện nay, khi 70% tài sản thế chấp vay vốn tại các ngân hàng chủ yếu là bất động sản đang khiến không ít NHTM lo nợ xấu sẽ tiếp tục tăng.
Theo Chí Kiên - Thời báo ngân hàng