Xi măng thua lỗ đậm
Tồn kho nhiều, nợ xấu cao, lao động thiếu việc làm, kinh doanh bị thua lỗ đang là "chuyện thường ngày” của nhiều ngành sản xuất.
Đành rằng đó là tình trạng chung nhưng khi đề cập vấn đề này không thể không nói đến ngành sản xuất xi măng, thậm chí nếu "soi” về một số chỉ tiêu quan trọng thì lĩnh vực này còn thuộc diện đứng đầu từ dưới lên.
Xin được "điểm danh” một số trường hợp cụ thể để qua đó nhận diện thực trạng đáng lo ngại của ngành xi măng.
Công ty cổ phần xi măng Bút Sơn một thời được coi là thương hiệu mạnh trên thị trường nội địa. Tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách của doanh nghiệp này luôn ở mức cao. Đáng tiếc đó là chuyện của … ngày xưa. Hiện thời xi măng Bút Sơn đang như là người không biết bơi bị rơi xuống biển. Khó khăn ập đến từ mọi phía, tất cả có chung nguyên nhân vì kinh doanh thua lỗ đậm. Đến hết quý 1/2013, xi măng Bút Sơn phải "è cổ” gánh khoản thua lỗ lên đến hơn 45 tỉ đồng, bình quân mỗi tháng doanh nghiệp này thua lỗ hơn 15 tỉ đồng. Năm 2012, lợi nhuận sau thuế của xi măng Bút Sơn bị âm gần 32 tỉ đồng. Còn quý 1/2013, mức thua lỗ của doanh nghiệp này tăng phi mã lên đến hơn 45 tỉ đồng. Vậy là chiều hướng thua lỗ của xi măng Bút Sơn càng về sau càng nặng nề hơn.
Xi măng Bút Sơn hiện có tài sản ngắn hạn với tổng giá trị vào khoảng 750 tỉ đồng, trong khi tổng mức nợ ngắn hạn lên đến hơn 2.239 tỉ đồng, gấp gần 3 lần tài sản hiện có. Tài sản ít , vay nợ nhiều (gấp gần 3 lần ) đây là nguyên nhân tạo ra nợ xấu ở mức cao. Làm sao và đến bao giờ trả được món nợ khó đòi ấy, đó là câu hỏi chưa có lời giải.
Năm 2012, bình quân mỗi quý, công ty xi măng Hoàng Mai thu lãi hơn 28 tỉ đồng. Biết trước khó khăn đang chờ phía trước cho nên, trong năm 2013, xi măng Hoàng Mai đưa ra chỉ tiêu thu lãi ở mức khiêm tốn: hơn 20 tỉ đồng/ quý (xấp xỉ 70% mức thực hiện của 2012 ). Mặc dù chủ động cắt giảm chỉ tiêu hiệu quả kinh doanh nhưng kết quả thực hiện trong những tháng vừa qua lại trở thành "vết thương ê ẩm”. Tính riêng quý 1-2013, xi măng Hoàng Mai thua lỗ gần 10 tỉ đồng (trong khi chỉ tiêu kế hoạch đề ra phải thu lãi hơn 20 tỉ đồng/ quý). Thua lỗ của xi măng Hoàng Mai (cũng như một số đơn vị trong ngành) đã đến giới hạn cuối cùng hay còn tiếp tục lao dốc, hãy chờ đợi để có câu trả lời trong những tháng tiếp theo. Tuy nhiên, theo nhận xét của một số chuyên gia kinh tế, với diễn biến như hiện thời, khả năng tiếp tục thua lỗ dễ trở thành " bạn đồng hành” của nhiều doanh nghiệp ngành xi măng.
Trung tuần tháng 5-2013, ngành xi măng có thêm tin buồn: công ty cổ phần xi măng Hà Tu công bố quyết định ngừng hoạt động. Kinh doanh thua lỗ và khó có khả năng trả nợ, đó là nguyên nhân chủ yếu buộc doanh nghiệp này phải ngừng hoạt động.
Từ nhiều năm trước, ngành xi măng đã "nỗ lực” tạo ra hiện trạng đáng báo động: cung vượt xa cầu, mức tồn kho năm sau cao hơn năm trước. Giải quyết tồn kho đang là bài toán hóc búa đối với ngành xi măng. Hiện thời tổng công suất toàn ngành xi măng lên đến gần 70 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ ở mức dưới 50 triệu tấn. Riêng 2013, xi măng dư thừa được dự báo hơn 20 triệu tấn.
Thua lỗ đã được "phơi bày” bằng những số liệu cụ thể, mức thua lỗ cũng như hệ quả gây ra từ đó thật sự đáng lo ngại.