Cần 10 tỷ USD đầu tư lưới điện truyền tải
Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia cho biết, các dự án lưới điện truyền tải mới vay được 4 tỷ đôla từ ODA và thương mại, còn lại 6 tỷ đôla chưa thu xếp được vốn.
Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia cho biết, các dự án lưới điện truyền tải mới vay được 4 tỷ đôla từ ODA và thương mại, còn lại 6 tỷ đôla chưa thu xếp được vốn.
Tại cuộc hội thảo hiện đại hóa hệ thống lưới điện truyền tải tổ chức ngày 20/6, ông Lưu Việt Tiến, Trưởng ban quản lý Đầu tư Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia cho hay, hiện nay giá truyền tải điện của Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với thế giới, trung bình khoảng 6,58% trong giai đoạn 2008-2012. Riêng trong hai năm 2011, 2012, mức giá này lần lượt là 76,10 đồng và 83,30 đồng, chiếm trên 6% trong giá điện hiện hành. "Giá truyền tải hiện tại không đủ để đáp ứng nhu cầu đầu tư trong tương lai", ông Tiến nhấn mạnh. Do đó, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia kiến nghị Chính phủ tăng giá truyền tải điện lên 10%-12% trong cơ cấu giá điện.
Ông Tiến tiết lộ, tổng nhu cầu vốn đầu tư để phát triển lưới điện truyền tải đến năm 2020 khoảng 10 tỷ đôla. Tuy nhiên, hiện nay, các dự án mới chỉ vay được 4 tỷ đôla từ ODA và thương mại, còn lại 6 tỷ đôla chưa thu xếp được vốn.
Trong năm 2011-2015, nhu cầu tiêu thụ điện dự kiến tăng 14,1%. Để đáp ứng được mục tiêu này thì Việt Nam cần phát triển nguồn điện đạt đạt mức công suất 43.000 MW vào năm 2015. Trong khi đó, năng lực truyền tải điện 220 kV - 500 kV của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển của nguồn điện. Trong 5 năm tới, nhu cầu phụ tải thực tế tăng khoảng 15%.
Ước tính hệ thống lưới điện truyền tải hằng năm cần 760 triệu USD cho việc đầu tư mới. Trong năm 2013-2016, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia dự kiến sẽ đầu tư mới khoảng 36 tiểu dự án trải dài từ Bắc vào Nam với tổng số tiền 700 triệu đô la.
Trước đó, tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lo ngại, hàng loạt loại phí và giá chồng chất nhau trong khâu phát, truyền tải, phân phối... khiến nhiều đại biểu lo ngại giá điện có nguy cơ bị đẩy cao và người tiêu dùng sẽ "lãnh đủ". Tổn thất điện năng lớn trong khâu truyền tải cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá điện lên cao.
Hoàng Lan