Cắt giảm đầu tư công: Nhiều dự án tiến thoái lưỡng nan
TT - Thực hiện nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, các bộ, ngành và địa phương đã thực hiện cắt giảm đầu tư công 8.333 tỉ đồng (kể cả vốn ngân sách và vốn trái phiếu chính phủ).
TT - Thực hiện nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, các bộ, ngành và địa phương đã thực hiện cắt giảm đầu tư công 8.333 tỉ đồng (kể cả vốn ngân sách và vốn trái phiếu chính phủ).
Các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước cũng cắt giảm khoảng 39.210 tỉ đồng vốn đầu tư. Tuy nhiên, việc cắt giảm đang đặt ra nhiều bài toán cần giải quyết.
Tốn kém chi phí phát sinh
Thông tin từ Bộ Giao thông vận tải cho biết bộ đã lên danh sách hơn 100 dự án, tiểu dự án nằm trong diện xem xét cắt giảm, giãn tiến độ với khoảng 1.800 tỉ đồng.
Tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ hôm 1-9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định: “Chúng tôi kiên quyết thu hồi tất cả các nguồn vốn đầu tư đã phân bổ cho các dự án vi phạm nghị quyết 11, để dồn tiền tập trung cho các dự án đầu tư khác cấp bách hơn và có thể phát huy được tác dụng”. Còn theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch - đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định đối với các công trình, dự án thật sự cấp bách, cần có giải pháp xử lý ngay về vốn thuộc lĩnh vực quốc phòng - an ninh, chương trình hỗ trợ huyện nghèo theo nghị quyết 30a, các dự án đầu tư các nhà máy điện, một số cầu yếu có nguy cơ sập, Trung tâm tim mạch trẻ em và Trung tâm ung bướu thuộc Bệnh viện Bạch Mai. |
Trong số này, dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 đang chịu nhiều hậu quả nhất. Các tiểu dự án Chơn Thành (Bình Phước) - Đức Hòa (Long An), Năm Căn - Cà Mau, đoạn TP Kon Tum - TP Pleiku đều đang ở giai đoạn thi công móng và nền đường. Đây là những hạng mục dễ bị hư hại nhất khi gặp mưa lũ, ngập nước nên việc phát sinh chi phí khi tái khởi công là điều không tránh khỏi.
Dự án dang dở trên những con đường vừa thi công vừa lưu thông cũng gây nhiều khó khăn cho việc đảm bảo an toàn đi lại của người dân.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 7-9, ông Phạm Hồng Sơn - tổng giám đốc Ban quản lý dự án (PMU) đường Hồ Chí Minh - cho biết đến thời điểm này dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 đã ngừng thi công 60/100 gói thầu do thiếu vốn.
Ông Sơn cho biết nhu cầu vốn của đường Hồ Chí Minh trong năm 2011 là 3.800 tỉ đồng từ trái phiếu chính phủ nhưng chỉ được duyệt 1.500 tỉ và đến nay mới được cấp 1/3 số vốn được duyệt. “Việc có vốn để tiếp tục thi công là vô cùng khó khăn” - ông Sơn nói.
Cùng chung cảnh ngộ trên, dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 27 đoạn qua Ninh Thuận (PMU 2, Tổng cục Đường bộ) cũng lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan khi không được cấp vốn thi công. Theo một lãnh đạo PMU 2, mục tiêu của dự án là hoàn thành trong năm 2011 nhưng đến nay chỉ mới được cấp 50 tỉ trong số 420 tỉ đồng được chủ đầu tư đăng ký. Số tiền được cấp không đáng kể so với khối lượng của các nhà thầu đã thi công.
Mặt khác, đây là công trình vừa cải tạo vừa sử dụng nên việc đảm bảo an toàn giao thông trên công trình dang dở rất khó khăn. Do phần lớn công trình mới thi công xong lớp móng mặt nên nếu không được thi công tiếp sẽ xuất hiện rất nhiều ổ gà, mất an toàn giao thông. Vì thiếu vốn nên cả chủ đầu tư và nhà thầu đều khổ sở vì nếu thi công tiếp thì không có vốn, dừng lại thì mất an toàn giao thông và phát sinh, lãng phí do thất thoát, hư hỏng...
Báo cáo Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải cho biết đối với các dự án đang triển khai thi công phải đình hoãn sẽ phát sinh chi phí về đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian đình hoãn; kinh phí bổ sung do huy động, giải thể các nhà thầu khi dự án bố trí được vốn triển khai tiếp; kinh phí bổ sung để khôi phục các hạng mục dở dang phải làm lại và những khối lượng hư hỏng bị hao tổn do ảnh hưởng của thời tiết gây nên và phương tiện lưu thông trong thời gian đình hoãn...
Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị được bổ sung vốn để trả nợ khối lượng đã thực hiện trước khi thực hiện nghị quyết 11.
Ưu tiên cho y tế
Đối với ngành y tế, trong trao đổi với báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá hệ thống y tế tuyến huyện là xương sống của ngành, rất nên xem xét đầu tư tiếp cho những công trình dở dang để phục vụ khám chữa bệnh cho người dân, tránh quá tải ở bệnh viện tuyến trên và nhiều hệ lụy liên quan đến quá tải bệnh viện.
Chiều 7-9, có mặt tại Bệnh viện Sơn Động (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang), chúng tôi nhận thấy khu điều trị mới của bệnh viện (khởi công từ tháng 12-2009, dự kiến hoàn thành vào tháng 9-2010) nhưng đến nay gói thầu số 1 mới xây xong phần thô, còn gói thầu số 2 và số 3 chưa được “khởi động”.
Các khu nhà điều dưỡng, trị bệnh... chưa hoàn thiện, không được đưa vào sử dụng để phơi mưa, phơi nắng gần một năm nay đã bắt đầu có những biểu hiện xuống cấp, vật liệu xây dựng để ngổn ngang, hoen gỉ.
Ông Nguyễn Văn Tám, phó giám đốc Bệnh viện Sơn Động, cho biết tất cả các hạng mục của dự án xây dựng, cải tạo Bệnh viện Sơn Động đều đã dừng thi công từ đầu năm 2011. “Thi công dang dở khiến công tác điều trị rơi vào tình trạng dở khóc dở cười” - ông Tám nói.
Để có diện tích xây dựng khu nhà mới, bệnh viện đã phải phá bỏ khu hội trường và khu điều trị y học cổ truyền. Diện tích của bệnh viện vốn đã chật hẹp, không đủ phục vụ nhu cầu bệnh nhân nay lại bị co cụm để nhường đất cho khu mới.
“Cái gì cũng phải dồn, từ khu làm việc của bác sĩ đến khu khám bệnh, điều trị đều phải ghép. Bệnh viện không có phòng bố trí kỹ thuật để phát triển các chuyên khoa, còn bệnh nhân thiếu giường nằm chữa bệnh” - ông Tám nói.
Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn - vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế), việc tạm dừng đầu tư công ở nhiều công trình giúp giảm lạm phát, song rất nên ưu tiên cho đầu tư y tế; rất nên xem xét rà soát, chọn cho tiếp tục thực hiện dứt điểm những công trình có hiệu quả, đang triển khai dở dang để tránh lãng phí chi phí đã đầu tư.
Hà Nội cắt giảm 806 tỉ đồng Đến hết tháng 8-2011, theo thống kê của UBND TP Hà Nội, toàn TP đã đình hoãn, giãn tiến độ, cắt giảm đầu tư công đối với 252 dự án với tổng nguồn vốn cắt giảm hơn 806 tỉ đồng. Số tiền này đã được điều chuyển, bổ sung cho các dự án quan trọng, cấp bách có khả năng hoàn thành trong năm 2011 để sớm đưa các công trình này vào sử dụng. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết việc đình hoãn tràn lan cả với những công trình đang thi công dang dở sẽ gây thiệt hại về kinh tế, thậm chí còn gây lãng phí. Dẫn chứng hai dự án xây dựng ký túc xá sinh viên tại Hà Nội được thực hiện từ nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ, ông Thảo cho rằng cả hai dự án này đều do Sở Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư triển khai từ năm 2009, quy mô của dự án sẽ giải quyết chỗ ở cho hơn 29.360 sinh viên, đã giải ngân được 900 tỉ đồng, nay nếu đầu tư tiếp khoảng 700 tỉ nữa công trình sẽ hoàn thành và phát huy hiệu quả, nếu cắt giảm sẽ khiến công trình bỏ không, gây lãng phí, tổn thất. XUÂN LONG |
NHÓM PV TUỔI TRẺ