Chi phí nhân công cao, nhà sản xuất vẫn không rời Trung Quốc

Cập nhật: 2011-11-10 03:31:00

(DVT.vn) - Chi phí nhân công Trung Quốc tăng trung bình 15-20% trong 5 năm vừa qua nhưng các nhà sản xuất vẫn đánh giá cao môi trường sản xuất của nước này.

(DVT.vn) - Chi phí nhân công Trung Quốc tăng trung bình 15-20% trong 5 năm vừa qua nhưng các nhà sản xuất vẫn đánh giá cao môi trường sản xuất của nước này.

Frank Leung, chủ nhà máy sản xuất giày dép dành cho nữ giới New Wing Footwear có trụ sở tại Hồng Kông cho biết đang đối mặt với nhiều khó khăn khi chi phí nhân công liên tục tăng. 
Ông đã phải cắt giảm số nhân công tại nhà máy ở Đông Quan, tỉnh Quảng Đông từ 8.000 người trong 3 năm trước xuống còn 3.000 người vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, việc cắt giảm nhân công vẫn chưa đủ để giải quyết khó khăn khi chi phí lao động tại Trung Quốc đang tăng trung bình 15-20%/năm. 
Không những thế, việc Bắc Kinh quyết định tăng gấp đôi tiền lương cho công nhân nhà máy bằng cách ra quyết định tăng lương tối thiểu hàng năm trong những năm tới sẽ thúc đẩy các ông chủ nhà máy như Leung phải nhanh chóng di chuyển khỏi Trung Quốc hơn.
 
Leung đã đến khảo sát 1 số nơi như Dhaka, thủ đô của Bangladesh và Addis Ababa, thủ đô Ethiopia để tìm kiếm một địa điểm phù hợp nhằm xây dựng cơ sở sản xuất thay cho nhà máy hiện tại ở Đông Quan. 
Chi phí nhân công tại Bangladesh chỉ bằng 20 -30% so với Trung Quốc trong khi thời gian lao động lại dài hơn, ông Leung cho biết. Công nhân Bangladesh làm việc 48 tiếng/tuần, còn Trung Quốc đang áp dụng quy định làm việc chỉ 40 tiếng/tuần. Không những thế, chính phủ Bangladesh còn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư bằng những cam kết miễn giảm thuế trong 10 năm. 
Tuy nhiên, các nhà đầu tư muốn tới Bangladesh lại đang vấp phải nhiều trở ngại như nguồn cung điện không ổn định, các nhà máy vẫn phải sử dụng máy phát điện, hệ thống đường xá, logistic chưa đáp ứng yêu cầu. 
Còn tại Ethiopia, chi phí nhân công thậm chí còn rẻ hơn cả Bangladesh và đường xá cũng tốt hơn nhưng những nhà sản xuất như ông Leung không thể tìm được các ngành công nghiệp phụ trợ cần thiết cho công việc của mình.
Một số chủ nhà máy khác, như David Liu, sở hữu 1 công ty làm túi xách cũng muốn chuyển khỏi Trung Quốc sang một số nước Nam và Đông Nam châu Á nhưng cuối cùng vẫn quyết định ở lại Đông Quan vì mạng lưới nhà cung cấp và năng suất lao động địa phương tốt hơn.
Ông Liu cho biết, lợi nhuận của công ty đã giảm từ mức cao 10% xuống rất thấp, chỉ còn 3%. Tuy nhiên, lợi nhuận này có thể được bù đắp lại thông qua việc tăng giá bán cho các nhà bán lẻ ở châu Âu với mức 8%/năm. 
Công ty nghiên cứu Dragonomics Gavekal cho biết, đơn giá xuất khẩu của Trung Quốc sang Liên minh châu Âu EU tăng 10% trong 8 tháng dầu năm, cao hơn so với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng vẫn thấp hơn so với Mexico (17%) và Ấn Độ (23%).
Hệ thống giao thông thuận tiện là một phần lí do khiến các nhà sản xuất chưa muốn rời Trung Quốc.
Một số công ty khác chọn phương án vừa giữ cơ sở ở Trung Quốc, đồng thời mở thêm nhà máy ở nước ngoài. 
Texhong Textile là ví dụ điển hình cho việc làm này. Công ty đã mở 3 nhà máy sợi tại Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2007 đến nay với 2.000 nhân công. 
Tiền lương tại Việt Nam hiện khoảng 1.200 Nhân dân tệ/tháng (gần 4 triệu đồng) trong khi chi phí cho 1 nhân công làm việc tương tự tại Trung Quốc là 2.000 Nhân dân tệ. Hơn thế nữa, các nhà máy mới tại Việt Nam được tự động hóa cao hơn và yêu cầu ít công nhân hơn.
Texhong hiện đang sử dụng 4.000 công nhân tại Việt Nam và 10.000 người ở Trung Quốc. Hơn 3/4 sản phẩm từ các công ty tại Việt Nam được bán lại cho nhà máy ở Trung Quốc. Đây cũng là 1 trong những lí do các ông chủ Trung Quốc muốn giữ lại nhà máy bản địa của mình. 
Một nguyên nhân nữa khiến các ông chủ Trung Quốc thường không muốn di dời sang 1 quốc gia khác vì họ không quen với cách quản lý người lao động có nền văn hóa khác biệt. 
Bên cạnh đó, sự kết hợp của một lực lượng lao động khổng lồ có năng suất cao, hệ thống giao thông, cảng biển, đường cao tốc,... có chất lượng tốt hơn nhiều là lí do mà các nhà sản xuất Trung Quốc khó có thể tìm thấy lựa chọn thay thế phù hợp để di chuyển nhà máy. 
Đỗ Hà
Theo Financial Times
Tin tứcQuy địnhBảng giá QC
Góp ý
Loading